Ngày 24-10, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã dành trọn ngày thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, định hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2014; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 5 năm (2011 - 2015) và vấn đề tái cơ cấu kinh tế.
Phải có cơ chế “đo lòng dân”
Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM), từ đầu nhiệm kỳ đến nay (2011 - 2013), Chính phủ đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, nhưng “chúng ta phát triển dưới tiềm năng”. Vì vậy, Chính phủ cần giải trình rõ hơn về vấn đề này và cần đưa ra các giải pháp, lộ trình khắc phục những yếu kém đó. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng nêu câu hỏi: Báo cáo của Chính phủ có lạc quan quá không? Chính phủ đánh giá chính trị - xã hội ổn định. Điều đó là đúng nhưng cũng phải thấy những yếu tố bất ổn trong trạng thái bình ổn đó. Nếu không đo lường được phản ứng của nhân dân đối với các chính sách đưa ra thì chúng ta sẽ như đang ngủ mê. Phải nhìn nhận hết sức nghiêm túc, bình tĩnh, không mơ hồ về lòng dân hiện nay. Người dân đang bất bình về tham nhũng, đạo đức xã hội xuống cấp, kinh tế khó khăn. Phải có cơ chế đo được lòng dân, vì đồng thuận xã hội chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất để ổn định chính trị - xã hội.
Ở tổ Hà Nội, ĐB Bùi Thị An đề nghị phải lấy chất lượng cuộc sống của dân để đo kết quả về kinh tế - xã hội, “bởi đi tiếp xúc cử tri, dân phản ánh rằng cái gì cũng tăng giá”. Nhìn báo cáo của Chính phủ từ góc độ người dân và doanh nghiệp, ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường nhận xét “có lẽ hơi lạc quan, hơi nhiều màu hồng quá”.
ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng: “Ngân sách khó khăn đã đến mức vay để đảo nợ rồi, chứ không còn vay để trả nợ nữa. Thủ tướng đã yêu cầu tuyệt đối không khởi công công trình mới khi chưa có nguồn, nhưng nhiều nơi vẫn khởi công mà chả bị làm sao cả. Thế kỷ cương ở đây là cái gì, kỷ cương không nghiêm làm cho lòng dân ngao ngán”.
Kiến nghị lập Ủy ban Tái cơ cấu kinh tế
Không quá bi quan như một số đại biểu khác, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng diễn biến khó khăn của kinh tế thế giới thời gian qua vẫn mang lại nhiều cơ hội cho kinh tế Việt Nam. Biểu hiện là thu hút vốn FDI vẫn ổn định và có lúc còn tăng, kiều hối ngày càng nhiều lên, năm 2013 dự kiến đạt trên 11 tỷ USD. Kinh tế thế giới khủng hoảng thì tổng cầu suy giảm, nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng 15% - 16%/năm - đó là những biểu hiện rất đáng mừng. Nhìn lại năm 2013, chúng ta đã bảo đảm được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tỷ giá trong 2 năm 2012 - 2013 rất ổn định, giữ được niềm tin vào đồng nội tệ; dự trữ ngoại hối cũng tăng lên, đến nay đã bảo đảm trên 12 tuần nhập khẩu. Tuy nhiên, ngân sách khó khăn, bội chi tăng cao, nợ công đã tới mức phải cảnh báo (năm 2013 nợ công lên mức 2,074 triệu tỷ đồng). Số lượng doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động vẫn lớn.
ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị bên cạnh việc tập trung tái cơ cấu 3 lĩnh vực đã xác định (đầu tư công, ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước) cần quan tâm hơn tới tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp dân doanh. Dự kiến tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2014 sẽ phải huy động 1,5 triệu tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp dân doanh là 500.000 tỷ đồng. Chính phủ cần có cam kết ổn định lạm phát, lãi suất trong thời gian dài thì doanh nghiệp mới dám vay vốn sản xuất kinh doanh. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng chúng ta cần thoát khỏi mô hình tăng trưởng cũ càng sớm càng tốt. Có như vậy mới sớm vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Đề nghị trong năm 2014 phải có một Ủy ban quốc gia về tái cơ cấu kinh tế, có sự tham gia của Quốc hội, của các định chế tư vấn, chuyên gia độc lập.
ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) kiên trì đề nghị không nên tách riêng năm 2014 để lập kế hoạch mà phải tính tới trung hạn, cho cả giai đoạn 2014 - 2015. Nên đặt chỉ tiêu mức tăng trưởng bình quân trong 2 năm khoảng 6%, không nên nóng vội thúc đẩy tổng cầu và thị trường bằng mọi cách. CPI trong 2 năm tới cần phấn đấu kiềm chế ở mức khoảng 7%. Chính phủ đã đề nghị tăng bội chi ngân sách trong 2 năm 2014 - 2015 lên 5,3%. Điều này nhất thời thì được nhưng quan trọng nhất vẫn là phải tháo gỡ khó khăn trong tăng tín dụng. Nếu tín dụng không tăng lên được khoảng 15% thì nền kinh tế khó thoát khỏi trì trệ. Cần xác định ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là nhiệm vụ hàng đầu từ nay đến năm 2015 để tập trung tái cơ cấu kinh tế.
Nợ công an toàn?
Một số đại biểu cũng tỏ ra băn khoăn với đề nghị tăng trần bội chi ngân sách và phát hành thêm trái phiếu chính phủ. Theo ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh), đến năm 2015, sức ép trả nợ cao nên việc phát hành 170.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ sẽ gây nên lo ngại khi kế hoạch trả nợ chưa rõ. Thông điệp của Chính phủ về thắt chặt chi tiêu, giải bài toán nợ công cũng chưa rõ khi mà Chính phủ chỉ báo cáo mới trả nợ nước ngoài đến hạn, nợ trong nước mới chỉ trả một phần gốc, lãi. Đây là điều đáng lo ngại khi năm nay trả nợ đến 40.000 tỷ đồng, còn năm 2014 là 70.000 tỷ đồng. ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) cũng cho rằng, kinh tế dù phục hồi nhưng cũng không bật mạnh, các biểu hiện ổn định vẫn chưa có khi thu ngân sách không đủ chi. Nếu QH không thông qua bội chi ngân sách thì ra sao? Ngân sách đang gặp rất nhiều khó khăn khi chúng ta đang nợ hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2011, 2012 và chưa có nguồn trả, năm 2013 tiếp tục nợ. Một đất nước thu không đủ chi nhưng lại vay nợ thêm và nói là yên tâm trong khi vài năm tới tốc độ tăng trưởng không cao, các khoản lãi đến hạn trả, ngân sách gặp khó khăn, đang cho thấy nhiều bất cập.
Liên quan đến vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Kim Ngân (Bến Tre) cho biết, theo nghị quyết của Quốc hội, đến năm 2015 nợ công không quá 65%. Báo cáo của chính phủ cho rằng, phát hành trái phiếu Chính phủ vẫn nằm trong giới hạn cho phép nhưng liệu có an toàn?
Dân bất an vì đạo đức xuống cấp
Tại phiên thảo luận cùng ngày, nhiều đại biểu cũng băn khoăn trước các vấn đề xã hội nhức nhối. ĐB Huỳnh Minh Thiện (TPHCM) nói: Suy thoái về kinh tế thì chúng ta có thể vực dậy trong 3 năm, 5 năm, nhưng để suy thoái về đạo đức, văn hóa thì phải mất cả thế hệ mới có thể vực dậy được. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng suy thoái này là kỷ cương phép nước chưa nghiêm; nhiều luật ban hành nhưng không được thực hiện. ĐB Phạm Thị Hải (Đồng Nai) nêu lại thông tin về vụ nhân bản trong ngành y tế vừa xảy ra thì lại đến vụ ở Thẩm mỹ viện Cát Tường. Người dân rất bất an và không yên tâm giao tính mạng cho ngành y. Vấn đề y đức chúng ta nói mãi rồi, cần có giải pháp. Nếu không thì vẫn là mục tiêu trên giấy. ĐB Nguyễn Văn Minh (TPHCM) nói: Năm nào cũng ghi vào nghị quyết là giảm tải bệnh viện, nhưng không yêu cầu cụ thể thế nào. Đề nghị nên có nghị quyết chuyên đề về vấn đề này, bởi đây là vấn đề cử tri hết sức quan tâm.
Có mặt tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận: Vấn đề đạo đức nghề nghiệp trong thời gian qua phải nói là một sự báo động rất lớn. Chúng tôi cũng hết sức đau đớn, xót xa trong chuyện này. Với trách nhiệm trong ngành, tôi cảm thấy rất nặng nề. Bộ Y tế đã ra một loạt các văn bản, chỉ thị, tập huấn đến 6.000 cán bộ. Vấn đề này phải có chế tài và chúng tôi đang xây dựng một thông tư. Nhưng cái này không chỉ hướng đến ngành y tế mà phải toàn xã hội tập trung hỗ trợ, lên án những hành động thiếu đạo đức nghề nghiệp, không riêng gì trong ngành y mà là những hành động thiếu đạo đức của con người nói chung.
| |
NHÓM PV
>> Kiến nghị lập Ủy ban quốc gia về tái cơ cấu kinh tế