Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm

Kỳ họp lần thứ tư Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Theo đó, 49 người có chức vụ thuộc Quốc hội bầu và phê chuẩn, còn ở địa phương bao gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, ủy viên thường trực Hội đồng nhân dân, trưởng ban của Hội đồng nhân dân; Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và các thành viên khác của Ủy ban nhân dân.

Theo nghị quyết của Quốc hội, lấy phiếu tín nhiệm là thăm dò mức độ tín nhiệm để làm cơ sở cho việc xem xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Còn bỏ phiếu tín nhiệm là thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm làm cơ sở cho việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức người không được Quốc hội, Hội đồng nhân dân tín nhiệm.

Mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ. Nghị quyết nêu rõ nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là bảo đảm quyền của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đồng thời tôn trọng quyền báo cáo, giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Thực hiện công khai, công bằng, dân chủ, khách quan; đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Đề cao trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, bảo đảm tiêu chuẩn của người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; bảo đảm sự ổn định và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ.

Việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu sẽ được tiến hành tại kỳ họp đầu năm 2013. Vấn đề đặt ra là sao cho thực chất, không hình thức. Người được lấy phiếu tín nhiệm coi đây là dịp đánh giá năng lực mình, đây cũng là một sự đòi hỏi, một sự thử thách… Người thực hiện việc lấy phiếu, bỏ phiếu rất cần được thông tin đầy đủ từ người được lấy phiếu, bỏ phiếu, từ cơ quan chủ quản, cơ quan thẩm định và người dân… Lá phiếu công minh, sáng suốt sẽ là sự đánh giá đúng, có căn cứ thực tiễn, có tác dụng tích cực. Được biết, Hà Nội sẽ tiến hành đánh giá tín nhiệm từ đầu năm 2013. Thành ủy sẽ thí điểm lấy phiếu tín nhiệm Ban Thường vụ Thành ủy, theo tinh thần của Nghị quyết TƯ4, sau đó sẽ lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm theo nghị quyết của Quốc hội đối với người được Hội đồng nhân dân bầu. Không ít nước trên thế giới tiến hành việc bỏ phiếu nhưng họ làm gọn hơn, trong những trường hợp có vấn đề. Còn chúng ta, cùng lúc lấy phiếu tín nhiệm nhiều người, người có phiếu tín nhiệm thấp sẽ được tiếp tục xem xét bỏ phiếu tín nhiệm, làm cơ sở cho việc miễn nhiệm, bãi nhiệm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn có thêm phiên họp nữa để bàn và sẽ có hướng dẫn cụ thể. Cũng chưa thể hình dung hết việc thực hiện nhưng cần chủ động và thận trọng vì vấn đề liên quan đến con người. Làm sao qua đây thúc đẩy được công việc, đoàn kết và tiến lên.

Người dân luôn mong muốn có sự phát triển nhanh và bền vững, không chấp nhận ở lĩnh vực này, bộ phận kia… còn trì trệ, có biểu hiện suy thoái, yếu kém kéo dài. Có nguyên nhân từ cơ chế, từ con người… cần được làm rõ để cải cách, phát triển. Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là một chủ trương đã được Quốc hội thông qua, cần làm cho hiệu quả, để dân tin. 

PHẠM PHƯƠNG THẢO

Tin cùng chuyên mục