Lấy phiếu tín nhiệm cần thực chất, khách quan

Kỳ họp thứ 16 HĐND TPHCM khóa VIII sẽ lấy phiếu tín nhiệm 18 chức danh do HĐND TP bầu, gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND TP, Trưởng các Ban HĐND TP; Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND TP; Chánh văn phòng UBND TP; Ủy viên UBND TP gồm giám đốc các sở: Tài Chính, Kế hoạch - Đầu tư, Nội vụ, Giám đốc Công an TP và Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP.

Kỳ họp thứ 16 HĐND TPHCM khóa VIII sẽ lấy phiếu tín nhiệm 18 chức danh do HĐND TP bầu, gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND TP, Trưởng các Ban HĐND TP; Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND TP; Chánh văn phòng UBND TP; Ủy viên UBND TP gồm giám đốc các sở: Tài Chính, Kế hoạch - Đầu tư, Nội vụ, Giám đốc Công an TP và Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP.

* Đinh Thị Thu (phường 7, quận Tân Bình): Công khai để dân giám sát

Cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần 2 của Quốc hội tại kỳ họp vừa qua. Kết quả đã phản ánh khá sát với năng lực, những chuyển biến tích cực hay trì trệ, đặc biệt là của các vị “tư lệnh ngành”. Tôi nghĩ HĐND TPHCM cũng nên phát huy tinh thần làm việc này. HĐND TP cần thông tin rộng rãi, mạnh mẽ hơn nữa về hoạt động lấy phiếu tín nhiệm của TP, cụ thể như: tên, chức vụ, lĩnh vực phụ trách cụ thể của từng chức danh được lấy phiếu tín nhiệm để người dân theo dõi, đánh giá, giám sát việc lấy phiếu như Quốc hội đã làm, mục đích cuối cùng là góp phần vào sự phát triển chung của TP.

* Ông Cao Ngọc Lân (phường 16, quận 5): Cần lấy phiếu tín nhiệm đến phường, xã

Theo tôi, mục đích việc lấy phiếu tín nhiệm là để có sự điều chỉnh tốt hơn. Do đó, ngoài việc lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo TP nên đề xuất tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đến cấp phường-xã. Nếu làm được điều này nhân dân càng tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Qua việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ giúp cho các cán bộ chủ chốt các cấp rèn luyện bản thân. Từ đó, giúp Đảng và Nhà nước tìm được những người có tài, có đức để bổ nhiệm vào những vị trí lãnh đạo các cấp của Nhà nước từ trung ương đến địa phương; loại bỏ những cán bộ yếu kém về năng lực, phẩm chất, đạo đức. Việc lấy phiếu tín nhiệm ở các cấp còn thể hiện quyền làm chủ của người dân; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội với Đảng và chính quyền các cấp.

* Ông Trần Tiến Đức (phường Phú Trung, quận Tân Phú): Tạo điều kiện cho người tín nhiệm thấp khắc phục khuyết điểm

Theo tôi, cần phải có tiêu chuẩn về chức danh, mô tả cụ thể nhiệm vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm. Dựa vào đó mới có thể đánh giá được kết quả thực hiện công việc, không cảm tính khi bỏ phiếu tín nhiệm. Về mức đánh giá, tôi cho rằng nếu chúng ta có đủ cán bộ đạt tiêu chuẩn, đạt yêu cầu để thay thế những người không được tín nhiệm thì nên theo hai mức “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”, từ đó đảm bảo người giữ chức danh do HĐND TPHCM bầu là người có thực tài.

* Bà Hồ Thị Lý (ngụ đường Hùng Vương, phường 9, quận 5): Phân định rõ tiêu chí để đánh giá chính xác

Tôi cho rằng nên lấy 3 mức “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Việc lấy theo hai mức “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” có thể sẽ đánh giá được rạch ròi nhưng lại không tạo điều kiện cho người có tín nhiệm chưa cao có thời gian phấn đấu khắc phục. Đồng thời, nếu càng phân rõ các tiêu chí thì kết quả đánh giá sẽ càng chính xác. Ngoài hiệu quả công việc, các ĐB HĐND TPHCM - những người đại diện cho nhân dân thành phố khi bỏ phiếu cho các chức danh nên chú ý đến năng lực và tác phong lãnh đạo của người được lấy phiếu tín nhiệm.

Vân Anh - Ái Chân ghi

Tin cùng chuyên mục