Theo nghị trình, trong phiên họp hôm nay (10-6), thực hiện Nghị quyết 25/2012/QH13, Quốc hội sẽ lần đầu tiên tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do QH bầu và phê chuẩn. Ông Trương Trọng Nghĩa, ĐBQH TPHCM, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã dành cho Báo SGGP cuộc trao đổi về vấn đề này.
* Phóng viên: Ông cảm nhận thế nào khi lần đầu tiên Quốc hội tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm?
* Ông TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA: Lấy phiếu tín nhiệm là hiện thực hóa công việc đã được quy định trong Hiến pháp và Nghị quyết của QH, là biện pháp thực sự thể hiện quyền giám sát tối cao của QH đối với các chức danh do QH bầu và phê chuẩn, vì có thể dẫn đến chế tài cụ thể khi tín nhiệm quá thấp thì phải từ chức hoặc bị bãi miễn. Điều này thể hiện sự kiên quyết của QH; được các ĐBQH thống nhất cao, nhân dân và cử tri hoan nghênh. Tuy nhiên, tôi cho rằng hình thức này cũng không phải là “cây đũa thần” mà cũng có những hạn chế nhất định.
* Ông có thể nói rõ hơn về những hạn chế này?
* Thứ nhất là đối với ĐBQH, những người cầm trong tay lá phiếu, khó khăn thách thức lớn nhất là phải vượt qua được những mâu thuẫn hoặc xung đột về lợi ích, vì bản thân họ cũng nằm trong bộ máy được điều hành bởi những nhân sự đó, thậm chí cũng nằm trong diện được lấy phiếu. Không thể tránh khỏi sự cân nhắc tôi bỏ phiếu cho anh thế nào, anh bỏ phiếu cho tôi ra sao; bên cạnh đó là sự nể nang chứ chưa nói tiêu cực. Hoặc một nhân sự được lấy phiếu giữ quá nhiều cương vị, vừa là lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng, Ủy viên TƯ, ĐBQH... thế thì đánh giá trách nhiệm của người đó ở góc độ nào? Thách thức thứ hai là nguồn thông tin. Không phải ĐBQH nào cũng có đủ thông tin sâu và toàn diện đến mức có thể đánh giá nhân sự đó ở mức tín nhiệm cao, hay vừa phải, hay thậm chí không tín nhiệm. Đa số ĐBQH chỉ có thông tin được cung cấp chung, nghĩa là không nhiều. Thông tin báo chí, trên mạng, qua tiếp xúc cử tri... cũng quan trọng, nhưng cần phải kiểm chứng.
* Lần này các nhân sự được lấy phiếu tín nhiệm đều đã có báo cáo tình hình công tác, qua nghiên cứu, ông có nhận xét gì về các bản báo cáo?
* Có lẽ đây là lần đầu tiên làm việc này nên các bản báo cáo được viết cũng không có quy chuẩn thống nhất, có người viết quá khái quát, có người lại nặng về kể cụ thể một hoặc một vài công việc đã làm mà nhẹ phần đánh giá nguyên nhân và đưa ra giải pháp... Cũng không thể đòi hỏi họ báo cáo quá chi tiết được vì họ phụ trách quá nhiều việc. Báo cáo đó cũng chỉ là một nguồn thông tin trong nhiều nguồn cần có. Nhưng như đã nói, tôi rất hoan nghênh việc lấy phiếu tín nhiệm, vì việc làm này tạo ra động lực khiến cho người được lấy phiếu tín nhiệm phải suy nghĩ và sẽ phải cố gắng hết sức để tránh những hành vi, sự việc làm ảnh hưởng đến uy tín của mình; làm việc với tinh thần trách nhiệm cao hơn, chặt chẽ hơn.
* Theo ông, phẩm chất nào của người được lấy phiếu tín nhiệm cần được quan tâm hơn cả?
* Trước hết tôi quan tâm đến năng lực hoàn thành nhiệm vụ của họ, bao gồm cả hoạch định chính sách lẫn chỉ đạo thực thi, khả năng huy động đội ngũ cán bộ, nhân viên cùng nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra, đó là tiêu chí hàng đầu. Sau đó đạo đức lối sống cũng cần quan tâm.
* Ông dự báo thế nào về kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này?
* Theo những gì tôi biết, tôi cho rằng không có quá nhiều sự việc dẫn đến tỷ lệ tín nhiệm đạt dưới 50%. Nhưng như vậy không hẳn là tất cả đều đã làm tốt, xứng đáng với niềm tin của người dân, của cử tri. Khâu quyết định vẫn phải là lựa chọn, giám sát cán bộ, đánh giá một cách trung thực và xử lý nghiêm khắc những sai phạm. Mà những yêu cầu đó không thể giải quyết bằng con đường lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm. Tôi mong rằng nếu những sai phạm mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước có đủ thông tin để xử lý thì sẽ được xử lý nghiêm minh. Có những vụ lãng phí rất lớn, làm ăn rất kém hiệu quả trong suốt thời gian dài, công nợ hàng chục ngàn tỷ đồng nhưng không điều tra ra được tội tham nhũng; hình phạt được coi là rất nhẹ so với quy mô tổn thất thì rất có thể tạo ra tâm lý “hy sinh đời bố, củng cố đời con”.
Những việc đó nếu cơ quan có trách nhiệm không làm rõ thì việc lấy phiếu tín nhiệm cũng không giải quyết được! Tôi muốn nói rằng việc lấy phiếu tín nhiệm phải tiến hành như một trong số các giải pháp tổng thể và khâu quyết định cuối cùng vẫn phải là công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, thanh tra, giám sát và xử lý của những cơ quan có trách nhiệm, từ Ủy ban Kiểm tra Đảng, Thanh tra Chính phủ cho đến các cơ quan điều tra, công tố, tòa án...
ANH THƯ thực hiện
| |
- Thông tin liên quan:
>> Lấy phiếu tín nhiệm phải đạt kết quả mẫu mực nhất (*)