(SGGP).- Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư quy định bộ tiêu chí đánh giá sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo đó, thực hiện chủ chương một chương trình, nhiều SGK, Bộ GD-ĐT xây dựng bộ tiêu chí đánh giá SGK giáo dục phổ thông. Bộ tiêu chí khi được thông qua sẽ là căn cứ để các hội đồng thẩm định SGK tiến hành thẩm định sách; Bộ GD-ĐT phê duyệt sách; định hướng cho các nhà xuất bản, các tổ chức, cá nhân tham khảo khi biên soạn sách nhằm đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông; giáo viên và nhà trường tham khảo khi chọn sách đã được bộ phê duyệt để dạy học trong trường.
Theo dự thảo, bộ tiêu chí được chia thành 5 nhóm gồm: nhóm I là tiêu chí về điều kiện tiên quyết (4 tiêu chí); nhóm II là tiêu chí về mục tiêu, nguyên tắc, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá (11 tiêu chí); nhóm III là tiêu chí về nội dung kiến thức (14 tiêu chí); nhóm IV là tiêu chí về hình thức và trình bày sách (8 tiêu chí); nhóm V là tiêu chí về học liệu và thiết bị dạy học (2 tiêu chí).
Bộ GD-ĐT nêu rõ, việc sử dụng bộ tiêu chí để đánh giá SGK phải dựa theo chương trình môn học do Bộ GD-ĐT ban hành và đảm bảo đồng thời hai nguyên tắc. Thứ nhất, nguyên tắc về điều kiện tiên quyết: sách được đánh giá “đạt” ở tất cả các tiêu chí thuộc nhóm I thì mới được tiếp tục xem xét đánh giá ở các nhóm tiêu chí tiếp theo. Thứ hai, nguyên tắc về ngưỡng tối thiểu: các tiêu chí thuộc nhóm II, III, IV, V được đánh giá theo các mức điểm 0, 1, 2. Sách được đánh giá đạt yêu cầu nếu đồng thời thỏa mãn ba điều kiện: có tổng điểm tối thiểu là 50 điểm, không có tiêu chí bị đánh giá 0 điểm và các nhóm tiêu chí phải đạt điểm tối thiểu (nhóm II: 16 điểm; nhóm III: 21 điểm; nhóm IV: 10 điểm; nhóm V: 3 điểm). Việc đánh giá các tiêu chí theo các mức điểm 0, 1, 2 bản chất là phương pháp đánh giá “đạt” - 1 điểm và “không đạt” - 0 điểm, mức 2 điểm dành cho sách “đạt tốt” tiêu chí đánh giá.
Bộ cũng nêu rõ, để sách được đánh giá là “đạt” thì tất cả các tiêu chí phải được đánh giá là “đạt”, không có tiêu chí bị đánh giá 0 điểm; đồng thời sách đạt ngưỡng tối thiểu đối với từng nhóm tiêu chí đánh giá, tổng thể sách phải đáp ứng mức chất lượng “khá” trở lên (70%/tổng điểm).
Bộ tiêu chí sẽ khuyến khích các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân biên soạn sách có chất lượng cao nhất vì kết quả đánh giá sẽ ảnh hưởng tới việc lựa chọn sách của các cơ sở giáo dục, cha mẹ học sinh và học sinh. Đáng chú ý, trong số tiêu chí về nội dung kiến thức, Bộ GD-ĐT yêu cầu: nội dung sách được tổ chức theo hướng khuyến khích tư duy độc lập, sáng tạo, phù hợp với quy luật nhận thức và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tự học; cách trình bày các quan niệm, quan điểm khoa học bảo đảm cho người học có nhiều cách tiếp cận, cách phân tích, lý giải vấn đề, hiện tượng, sự kiện; phát huy được tư duy độc lập, sáng tạo của học sinh… Cùng với đó, bộ yêu cầu các thành tựu khoa học mới liên quan đến lĩnh vực/môn học được lựa chọn, cập nhật đáp ứng hội nhập quốc tế và phù hợp với mục tiêu, yêu cầu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông. Các vấn đề cần giáo dục mang tính quốc gia và toàn cầu như phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu khác được quan tâm và thể hiện hợp lý…
4 tiêu chí về điều kiện tiên quyết
° Tiêu chí 1: Không trái với truyền thống văn hóa, lịch sử, đạo đức và thuần phong mỹ tục Việt Nam; phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.
° Tiêu chí 2: Không làm ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, an ninh chính trị, trật tự xã hội và chủ quyền quốc gia.
° Tiêu chí 3: Không có những định kiến xã hội về giới tính, sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, địa vị xã hội, lứa tuổi.
° Tiêu chí 4: Tuân thủ quy định của pháp luật nước CHXHCN Việt Nam về xuất bản, giáo dục, bản quyền, sở hữu trí tuệ và các quy định khác có liên quan.
LÂM NGUYÊN