Sáng mai, tại Khu du lịch Suối Tiên

Lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương sẽ hoành tráng

C
Lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương sẽ hoành tráng

Nói đến Khu du lịch văn hóa (KDLVH) Suối Tiên, người ta nghĩ ngay đến đền thờ vua Hùng, trong đó có tượng Vua Hùng uy nghi, đã được đầu tư xây dựng gần 10 năm qua tại đây. Cũng tại nơi này, vào sáng mai, 26-4, KDLVH Suối Tiên sẽ trang trọng tổ chức lễ rước kiệu vua Hùng trong khuôn khổ lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương.

  • Chuẩn bị công phu
Lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương sẽ hoành tráng ảnh 1

Dâng hương lên vua Hùng trong ngày giổ Tổ năm 2006, tại Suối Tiên. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Lễ tế tại đền thờ Vua Hùng – Suối Tiên được cử hành long trọng với sự tham gia của Ban tế lễ Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (Châu Đốc, An Giang). Lễ vật dâng lên Quốc Tổ là 4.000 chiếc bánh chưng, tượng trưng cho 4.000 ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam. Sau lễ cúng, 4.000 chiếc bánh chưng sẽ được tặng cho tất cả du khách tham gia trong lễ hội tại Suối Tiên.

Trọng tâm của lễ hội tại KDLVH Suối Tiên là lễ rước kiệu Quốc Tổ Hùng Vương vi hành miền đất tứ linh bắt đầu từ 9g sáng. Trong chiếc kiệu sơn son thếp vàng, tượng của vua Hùng được một đội tráng sĩ hộ tống diễu hành qua các nơi trong khu du lịch. 1.500 diễn viên của các đoàn nghệ thuật dân tộc và học sinh các trường dân tộc, trong trang phục đại diện của 25 dân tộc anh em đến từ mọi miền đất nước: Thái, Tày, H’Mông, Mường, Lào, Gia Rai, Ê Đê, K’Ho, Chăm, Hoa, Kh’mer… Tiết mục hòa tấu trống, bộ gõ, cồng chiêng và đàn đá của nghệ sĩ Đức Dũng là chương trình mở màn lễ hội. Sau đó là chương trình biểu diễn nghệ thuật của đoàn nghệ thuật Biển Xanh (Bình Thuận) với các tiết mục múa dân gian dân tộc Răklây, K’Ho, múa Chăm… Chương trình lễ hội còn hứa hẹn nhiều hào hứng với phần biểu diễn của các đoàn nghệ thuật dân tộc: Đoàn nghệ thuật Kh’mer (Sóc Trăng) với các tiết mục múa Bình Minh Phum-Sóc… Đoàn trường PTTH Dân tộc nội trú N’Tranglong Đắc Lắc với những âm điệu trầm hùng của núi rừng Tây Nguyên qua các tiết mục: Hát ru mùa lúa chín, Tây Nguyên vào mùa… Đoàn văn hóa cồng chiêng Lang Biang giới thiệu những nhạc cụ độc đáo như: cồng chiêng, sáo vỗ, T’rưng, Cing đinh, Cing proh; Đoàn nghệ thuật dân tộc Chăm (Bình Thuận) biểu diễn điệu múa quạt truyền thống và giới thiệu các nhạc cụ trống Kơnăng, trống Paranưng, kèn Saranai. Ngoài ra còn gây chú ý nhiều có lẽ là sự tập hợp biểu diễn của 6 đoàn Lân Sư Rồng nổi tiếng TPHCM như: Hằng Anh Đường, Nhân Nghĩa Đường, Tâm Hoa Đường, Dũng Nghĩa Đường… Tổng đạo diễn chương trình lễ hội là đạo diễn Quốc Dương.

  • Những nét đẹp bên lề

Cũng trong ngày giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, KDLVH Suối Tiên cúng tiến vua Hùng 600 cặp bánh chưng, bánh dày tại Đền Hùng (Phú Thọ) và số bánh này sẽ được tặng cho các quan khách về dự lễ.

Trước ngày diễn ra lễ hội, đêm nay, 25-4, tại KDLVH Suối Tiên sẽ diễn ra hội trại mừng giỗ Tổ Hùng Vương với sự tham gia của 10.000 sinh viên các trường đại học. Chương trình sân khấu hóa lịch sử Truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh sẽ diễn ra tại hồ Long Quy ẩn thủy với sự tham gia của 200 võ sư, võ sinh Hội Võ cổ truyền TPHCM; diễu hành Ngọc ngà châu báu thần tiên hội, quy tụ 200 diễn viên của 16 đoàn nghệ thuật… Trong 2 ngày 28 và 29-4, lần đầu tiên Võ đài Suối Tiên được tổ chức với sự tham gia của 18 đại môn phái võ thuật Việt Nam, thi đấu đối kháng tranh giải vô địch Anh hùng hào kiệt. Ngoài ra, còn có các trò chơi dân gian, chương trình ca nhạc kéo dài đến ngày 30-4 và 1-5.

Với chủ đề chính Trở về cộâi nguồn văn hóa dân tộc, từ 10 năm qua cứ đến ngày giỗ Tổ Hùng Vương,  KDLVH Suối Tiên lại tổ chức lễ giỗ rất trang nghiêm, trọng thể với mục đích tạo dựng một lễ hội văn hóa truyền thống để du khách thành phố cũng như các tỉnh, đến dâng hương tưởng nhớ và tri ân công đức của các vị vua Hùng đã có công dựng nước. Năm nay cũng là năm thứ 4, DLVH Suối Tiên tiến hành lễ rước kiệu vua Hùng.

Như Hoa

Đền Hùng – Phú Thọ
Hơn 17 vạn người đến dâng hương

Sáng nay, trời lất phất mưa nhưng lượng người đổ về Đền Hùng vẫn rất đông. Từ sáng sớm, nhiều đoạn đường đã bị tắc nghẽn. Lễ hội Đền Hùng đã chính thức khai hội (ngày 6-3 Âm lịch), kết thúc lễ hội (phần lễ chính) vào ngày 10-3 (Âm lịch). Từ đó đến nay đã có hơn 17 vạn người đến dâng hương.

Năm nay, nghỉ ngày lễ 10-3 (Âm lịch) trùng gần với ngày 30-4 và 1-5 nên cán bộ, công chức, học sinh sinh viên có điều kiện đi tham quan, du lịch. Đã có nhiều người vào thắp hương tổ tiên trước khi đi lên Yên Bái, Lào Cai để du lịch. Công tác an ninh trật tự cũng được đảm bảo một cách tốt nhất. Ngày mai, ngày giỗ Tổ 10-3, UBND tỉnh Phú Thọ sẽ thay mặt nhân dân cả nước làm chủ lễ dâng hương lên tổ tiên người Việt Nam.

V.P-Đ.H

Tin cùng chuyên mục