Lễ hội đặc biệt trong lòng người

Thăng Long - Hà Nội, trái tim của cả nước,điều này đã được minh chứng qua cả ngàn năm lịch sử. Nếu không có nhãn quan thiên niên kỷ của Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn thì Thăng Long chẳng có sự khởi đầu. Nếu không có những vị hoàng đế anh minh của các triều Lý - Trần - Lê thì cũng không thể có một nền văn hiến Đại Việt rực rỡ như vậy.
 
“Biết bao trí tuệ, mồ hôi, xương máu của ông cha ta đã đổ vào mỗi thửa ruộng, mỗi con đê, mỗi đoạn đường, mỗi góc phố để Hà Nội có được như ngày nay. Suốt mấy ngàn năm đất nước và thủ đô ta, sáng chắn bão dông, chiều ngăn nắng lửa hết đời này qua đời khác. Suốt mấy ngàn năm, nhân dân ta có bao ngày được ngơi nghỉ? Bao nhiêu thế hệ cứ tiếp nối nhau kiên cường, chiến đấu, hiến dâng cho thủ đô và Tổ quốc cuộc đời mình, cả tuổi trẻ, tình yêu và hạnh phúc để bảo vệ từng tấc đất của tổ tiên nguồn cội”, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã phát biểu đầy xúc cảm tại lễ mít tinh kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội ngày hôm qua.

Đó cũng là cảm xúc của tất cả những người dân Hà Nội, người dân Việt Nam trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Những cảm xúc đó sẽ còn theo mãi chúng ta trong nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm, nhất là khi được chứng kiến thủ đô thân yêu, ngày lại ngày thêm đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng là trái tim yêu dấu của đất nước.
 
Nhắc đến Thăng Long - Hà Nội là nhắc đến 5 giá trị cốt lõi trong nền tảng văn minh - văn hiến Thăng Long - Hà Nội. Đó là yêu nước; trọng hiền, coi trọng tài năng và trí tuệ; nhân văn, nhân ái, khoan hậu, dung hòa; hào hoa thanh lịch trong lối sống, ứng xử hàng ngày; tiên phong hiện đại. Hà Nội là nơi hội tụ, kết tinh những giá trị và truyền thống tốt đẹp nhất của dân tộc. Vì thế, nói đến những giá trị cốt lõi trong nền tảng văn minh - văn hiến của Thăng Long - Hà Nội, ở một mức độ nào đó có nghĩa là nói đến những giá trị cốt lõi của toàn dân tộc Việt Nam. Những giá trị đó đã tồn tại trong suốt 1.000 năm qua và tiếp tục là bệ đỡ tinh thần, là yếu tố dẫn đường, quy tụ sức mạnh tổng hợp của thủ đô trong thiên niên kỷ mới.

Những ngày qua, chúng ta đã kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội trên tinh thần những giá trị, truyền thống đó. Một đại lễ nhằm khơi dậy sức dân. Và thực sự chúng ta đã làm được. Một đại lễ mà hàng vạn, hàng vạn người dân Hà Nội, người dân Việt Nam từ muôn nẻo đường trong và ngoài nước, vượt đường sá xa xôi, vượt cả biên giới, hải đảo để cùng về thủ đô hội tụ trong thời khắc hồn thiêng sông núi lan tỏa.

Thật xúc động biết bao với hình ảnh những người nông dân tạm ngưng việc đồng áng lên thủ đô mừng đại lễ. Cũng không thể không rưng rưng trước hình ảnh hàng trăm con người thức trắng đêm trong thời khắc thủ đô tròn 1.000 tuổi, thậm chí chọn cảnh “ngủ đường ngủ phố” chỉ để mong có một chỗ đẹp nhất, tiện nhất chào đón bình minh ngày 10-10-2010, chào đón những bước chân rầm rập, hùng mạnh của các khối diễu binh mừng Hà Nội sang thiên niên kỷ mới...

Như thế, Đại lễ 1.000 năm đã thành công rực rỡ vì trước hết đã là lễ hội đặc biệt trong lòng người, khơi dậy tình cảm, trách nhiệm và lương tâm của mỗi con người đối với thủ đô thân yêu, với Tổ quốc anh hùng.

Đại lễ chỉ 10 ngày thôi nhưng chúng ta đã có cơ hội tốt nhất để tiếp tục khẳng định những phẩm chất cao quý và truyền thống tốt đẹp: Văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị của thủ đô, của đất nước con Hồng, cháu Lạc. Đó là di sản vô giá của tổ tiên cùng các thế hệ cha ông ta để lại. Di sản đó phải được từng người con đất Việt trân trọng, giữ gìn để truyền lại cho muôn đời con cháu mai sau, cũng như phát huy lên một tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh. Đó mới là mục đích cao nhất của Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục