Sự việc đã tạo chú ý của dư luận, bởi có lẽ đây là trường hợp đầu tiên của cả nước một nhà giáo - hiệu trưởng đã bị bắt tạm giam về tội lạm thu - chuyện xảy ra không phải chỉ ở Hưng Yên, mà gần như ở nhiều địa phương, nhiều trường mỗi khi bước vào năm học mới.
Không ai không khỏi đau lòng khi nhìn thấy hình ảnh cô hiệu trưởng trường tiểu học Lệ Xá tay tra vào còng sắt và đã rơi những giọt nước mắt muộn màng… Không chỉ mới đây mà kéo dài nhiều năm qua, cô đã chỉ đạo thu nhiều khoản ngoài quy định khiến phụ huynh bức xúc nhưng không ai dám lên tiếng vì sợ con em mình bị trù dập. Kiểu lạm thu ở Lệ Xá cũng là “mẫu số chung” của nhiều trường trong cả nước: phụ huynh “tự nguyện” đóng góp, viết đơn “tự nguyện” xin cho con tham gia các lớp học thêm của trường, hội phụ huynh đứng ra thu theo “gợi ý” của hiệu trưởng… dù rằng trong bụng tức anh ách, của đau con xót. Cái tội lớn hơn của cô, sau khi thu đã dùng tiền này để mua sắm các trang thiết bị không đúng như thực tế, mua hóa đơn để hợp thức hóa, chi hoa hồng cho ban giám hiệu. Trước ống kính nhà đài, cô thừa nhận đã lạm thu để tăng cường các trang thiết bị nhằm đưa trường “đạt chuẩn” theo quy định - căn bệnh chạy theo thành tích.
Chưa bao giờ tội lạm thu tại một trường học và cá nhân một nhà giáo sai phạm đã bị xử lý ở mức khởi tố, bắt giam chứ không dừng lại ở việc “xử lý nội bộ” hay khiển trách, cảnh cáo. Nguồn cơn sự việc bắt nguồn từ chuyện “tức nước vỡ bờ” của nhiều phụ huynh một miền quê nghèo, chạy ăn từng bữa nhưng cứ bị ép “tự nguyện”. Họ mạnh dạn tố cáo với báo chí nên cơ quan thanh tra, công an đã vào cuộc. Nhìn từ Lệ Xá, nhìn những giọt nước mắt muộn màng của người trong cuộc, ai cũng đau lòng nhưng ai cũng hả hê: cái xấu đã bị gọi đúng tên, bị xử lý.
Như nói ở trên, lạm thu là “mẫu số chung” không riêng ở Lệ Xá. Cũng như một dạo, cụm từ “đúng quy trình” được người ta áp dụng để biện bạch cho những việc làm sai trái, ở đây, từ “tự nguyện” với “lạm thu” như cặp song trùng để che chắn cho hành động đi ngược lại quy định nhà nước. Dù rằng đầu năm học này, ngành giáo dục đã sớm lên tiếng ngăn chặn việc lạm thu, nơi này nơi khác vẫn “ngựa quen đường cũ” với tấm chắn “phụ huynh tự nguyện”, như một trường tiểu học ở thành phố đã biện minh “phụ huynh tự nguyện” đóng góp để làm sàn gỗ cho lớp học khi bị báo chí phát hiện.
Sau câu chuyện đau lòng ở Lệ Xá, có lẽ hai từ “tự nguyện” không còn là bảo bối che chở cho việc lạm thu trong trường học, nếu ai đó không muốn mình là người nối gót cô hiệu trưởng trường Lệ Xá. Cũng đừng mượn danh “hội phụ thu” để “huy động sức dân”, khiến nhiều phụ huynh phải dị ứng với hội mang tên chính mình, khiến nhiều phụ huynh phải lắc đầu tránh né khi được đề cử vào tổ chức hội này. Lạm thu đã bào mòn sức dân, hanh hao niềm tin vào những kỹ sư tâm hồn - nghề cao đẹp. Các em sẽ nghĩ gì khi nơi này nơi khác thầy cô ban giám hiệu đứng dưới sân cờ dạy các em điều hay lẽ phải, đạo đức làm người nhưng sau đó lại chơi chữ để “xã hội hóa” đủ thứ, từ tiền cho tờ giấy kiểm tra, tiền photocopy bài giảng, tiền bồi dưỡng…
Để chống lạm thu, hãy bắt đầu từ lương tâm và trách nhiệm của người thầy. Không phải cái nào cũng huy động, kêu gọi đóng góp vì sức dân có hạn, nhiều gia đình phải chạy ăn từng bữa, nhiều phụ huynh phải bán lưng cho trời để góp từng đồng cho con đến trường tìm chữ. Ngành giáo dục và các cơ quan chức năng cần học cách làm của Hưng Yên: lắng nghe tiếng nói của phụ huynh, nhanh tay vào cuộc thanh tra, kiểm tra để đi đến cùng sự việc, không khoan nhượng với cái sai, cái xấu.