Lên đỉnh núi Sập đón tiết mùa đông

Đó không phải là một ngọn núi hùng vĩ và có nhiều huyền thoại như Thiên Cấm Sơn. Đó cũng không phải là một nơi tâm linh và luôn có đông khách hành hương như núi Sam (thị xã Châu Đốc, An Giang)… Núi Sập chỉ đơn giản như một “dấu chấm” nằm lặng lẽ giữa vùng đất Thoại Sơn (tỉnh An Giang). Những du khách thích cảm giác đông vui, chen chúc xô bồ sẽ không chọn núi Sập làm điểm dừng chân. Nơi đây chỉ thật sự phù hợp cho những người thích tự do khám phá và sống hòa mình với thiên nhiên…
Lên đỉnh núi Sập đón tiết mùa đông

Đó không phải là một ngọn núi hùng vĩ và có nhiều huyền thoại như Thiên Cấm Sơn. Đó cũng không phải là một nơi tâm linh và luôn có đông khách hành hương như núi Sam (thị xã Châu Đốc, An Giang)… Núi Sập chỉ đơn giản như một “dấu chấm” nằm lặng lẽ giữa vùng đất Thoại Sơn (tỉnh An Giang). Những du khách thích cảm giác đông vui, chen chúc xô bồ sẽ không chọn núi Sập làm điểm dừng chân. Nơi đây chỉ thật sự phù hợp cho những người thích tự do khám phá và sống hòa mình với thiên nhiên…

Nhiều người ví hồ Ông Thoại như “vịnh Hạ Long” của An Giang

Nhiều người ví hồ Ông Thoại như “vịnh Hạ Long” của An Giang

Từ thành phố Long Xuyên (An Giang) đi theo Tỉnh lộ 943 khoảng 25km là đến Khu du lịch (KDL) Hồ Ông Thoại (thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn). Có một tuyến xe buýt xuất phát từ phà An Hòa về xã Vọng Thê (huyện Thoại Sơn). Trên đường đi, xe chạy vòng lên KDL và dừng tại đây vài phút trước khi tiếp tục hành trình. Tuy nhiên, những du khách thích khám phá thường chọn đi xe máy để ghé được nhiều nơi chứ không đi xe buýt. Từ cổng KDL rẽ trái vài trăm mét sẽ có con đường bê tông dẫn lên đỉnh núi Sập. Ngoài ra, phía sau hồ Ông Thoại cũng có một số con đường nhỏ để du khách trèo lên đỉnh núi nhưng không chạy xe máy được. Nếu đi theo đường bê tông, từ chân núi Sập lên đến Hang Dơi, địa điểm tham quan cuối cùng trên đỉnh núi, chỉ hơn 1.300m nhưng con đường có nhiều khúc khuỷu và dốc đứng, đòi hỏi những tay lái có can đảm mới dám vượt lên. Nhiều người chọn giải pháp gởi xe máy ở nhà dân dưới chân núi rồi đi bộ theo đường bê tông lên đỉnh núi. Cách khám phá này cũng rất thú vị…

Vượt qua khúc khuỷu đầu tiên có hình cong như cái thòng lọng là đến Linh Sơn Tự, một ngôi chùa nhỏ nằm khiêm tốn bên trái con đường. Từ hậu viên của ngôi chùa này có thể phóng tầm mắt về hướng Cần Thơ để ngắm những cánh đồng lúa xanh kéo dài bất tận, xen giữa là những con kênh ngoằn ngoèo mang màu nước trắng xóa. Nếu khéo vẽ có thể tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp. Từ Linh Sơn Tự vượt thêm 2 đoạn dốc nữa, du khách có thể ghé qua viếng tượng phật Di Lặc trong khuôn viên Tịnh xá Pháp Hoa. Tượng phật Di Lặc ở đây tuy không hoành tráng như trên đỉnh Thiên Cấm Sơn nhưng vẫn mang ở đó nét mặt nhân từ, nụ cười hiền hậu luôn nở trên môi khiến người ta như quên đi những ưu phiền trong cuộc sống. Rời Tịnh xá Pháp Hoa, đổ dốc khoảng 100m rồi rẽ phải lên con đường nhỏ vài chục mét nữa, du khách đã đặt chân lên Duyên Phước Tự - ngôi chùa được coi là đẹp nhất và cao nhất trên đỉnh núi Sập.

Phía trước Duyên Phước Tự là những cây vú sữa sai quả, xen lẫn vào đó là những cây me già vòng tay ôm không giáp. Ở bất kỳ vị trí nào của ngôi chùa này đều có thể trải mắt xuống cảnh vật bao la dưới đồng bằng. Tứ bề của ngôi chùa đều lộng gió. Vào những ngày lập đông, ngồi trên những băng ghế đá trong khuôn viên chùa, người ta cảm thấy khoan khoái bởi những luồng gió mát và cảnh vật bao la của thiên nhiên…

Cảnh đẹp của thị trấn Núi Sập nhìn từ Hang Dơi

Cảnh đẹp của thị trấn Núi Sập nhìn từ Hang Dơi

Trên hành trình lên đỉnh núi Sập, du khách không thể bỏ qua Hang Dơi, hay còn gọi là đỉnh Pháo Đài – nơi từng ghi dấu ấn hào hùng của quân và dân Thoại Sơn  trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chịu khó trèo qua 2 chiếc cầu thang bằng sắt, du khách sẽ đến được Hang Dơi. Đó là một khối đá cao với hang động chạy sâu vào lòng núi. Cảm giác ấn tượng đầu tiên là gió lồng lộng tứ bề, cảnh vật bên dưới như xa thăm thẳm. Những người “yếu bóng vía” sẽ rất sợ cảm giác cheo leo trên đỉnh Hang Dơi nhìn xuống đồng bằng. Bám theo khối đá là cây đa cổ thụ với thân và gốc to tướng. Nếu mạo hiểm thêm một chút, chịu khó trèo qua thân cây di chuyển xuống những tảng đá nhỏ phía dưới, du khách có thể ngắm toàn cảnh lòng hồ Ông Thoại với những khối đá nhô lên khỏi mặt nước. Nhiều người ví hồ Ông Thoại là một “vịnh Hạ Long” thứ 2 của Việt Nam. Sự so sánh này quả là xác đáng.

Lên đỉnh núi Sập vào tiết mùa đông để thưởng thức những cơn gió lạnh, thả hồn theo cảnh vật bao la của thiên nhiên xung quanh đỉnh núi… có thể xem là một cách du lịch không ồn ào nhưng đầy thú vị.

Bài, ảnh: Ngọc Bích

Tin cùng chuyên mục