Lên rừng Trường Sơn: Dạy chữ Bác Hồ

Hà Công Văn: Thầy giáo - Anh hùng
Lên rừng Trường Sơn: Dạy chữ Bác Hồ

Tháng 9, giữa núi rừng Trường Sơn, những cơn mưa chớm thu lướt qua thật nhanh rồi bất ngờ trở lại. Không có hình ảnh người mẹ dẫn con đi trên con đường làng dài và hẹp đến trường trong ngày khai giảng năm học mới như Thanh Tịnh miêu tả. Xa xa, dưới cánh rừng già, các em học sinh người Vân Kiều, Pa Cô lần lượt tạm biệt nương rẫy, xuống núi tựu trường để học cái chữ của Bác Hồ. Mấy chục năm qua, gia tài các thầy cô giáo để lại là những thế hệ học sinh thân yêu giữa Trường Sơn lớn lên cùng đất nước.

Lên rừng, tìm học trò

Lên rừng Trường Sơn: Dạy chữ Bác Hồ ảnh 1

Học sinh Trường Ba Nang đến trường chuẩn bị ngày khai giảng năm học mới

Thầy giáo Mai Huy Phương, Trưởng phòng GD-ĐT huyện miền núi Đak Rông, cho biết có gần 1 vạn giáo viên đang dạy học trên rẻo cao thuộc địa bàn của huyện. Từ mấy chục năm trước, thầy cô giáo từ miền xuôi lên công tác khi tóc còn xanh, bây giờ tóc nhiều người đã chuyển sang màu muối tiêu. Nhiệm vụ cao cả của thầy cô là dạy cái chữ của Bác Hồ cho bà con dân tộc Vân Kiều, Pa Cô.

Chuyện kể rằng ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, cán bộ của Bác Hồ đến gặp bà con Vân Kiều, Pa Cô trên rẻo cao tỉnh Quảng Trị để vận động đi học xóa mù. Thật ngạc nhiên, bà con ở đây đều mang họ Hồ. Họ nói rằng “dù có họ tộc riêng nhưng người Vân Kiều, Pa Cô muốn mang họ Hồ như thể hiện tấm lòng ân tình, thủy chung đối với Đảng, Bác và bà con mong muốn được học cái chữ của Bác để xây dựng bản làng”.

Sau khi làm việc với trưởng phòng, chúng tôi vượt rừng để đến ngôi trường xa nhất tỉnh Quảng Trị. Đó là Trường Ba Nang. Lên đến ngọn Ba Nang, trên đầu tôi ngút ngàn mây trắng. Mấy hôm nay học sinh từ các bản làng đã xuống núi đến trường. Trường Ba Nang gồm cấp 1 và 2, có hơn 200 học sinh. Ngoài trường chính, các bản lẻ khác cũng có phòng học cho học sinh tiểu học. Từ trường chính về bản lẻ phải mất cả ngày đi bộ. Tuy nhiên, mọi công việc chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới, 5-9, của trường đã hoàn tất.

Để dạy được cái chữ cho học sinh miền núi, các thầy giáo hết sức chịu khó và vất vả cực nhọc.Thầy Nguyễn Hạnh kể rằng mùa hè, học sinh theo bố mẹ lên rừng làm nương rẫy mấy tháng liền. Khi thời tiết chuyển qua thu, có mưa rào là lúc bắt đầu năm học mới và các em xuống núi đến trường. Thế nhưng, số học sinh tự giác trở lại học không nhiều. Vì vậy, ngay từ đầu tháng 8, các thầy phải lặn lội lên rừng để tìm học trò. Ước mơ của các thầy thật giản dị:  mong sao cho con em bà con dân tộc biết đọc, biết viết cái chữ của Bác Hồ.

Chân dung thầy giáo vùng cao

Bữa cơm của chúng tôi với các thầy ở Trường Ba Nang đúng nghĩa… cơm rừng. Chỉ có cơm, còn rau rừng hái từ dưới suối lên. Thế mà mọi người ăn rất ngon lành và ấm áp. Thầy giáo Trần Hùng nói: “Mùa mưa, nước lũ lên cao, không bơi được qua sông để đi mua lương thực, nhiều tuần các thầy không còn hạt muối để ăn…”. Cuộc sống khó khăn, vất vả nhưng các thầy vẫn bám trụ không thiếu ngày nào. Để dạy dỗ các em nên người, hai giáo viên miền xuôi lên đây đã vĩnh viễn nằm lại ở rừng vì dòng lũ dữ. Câu chuyện các thầy kể lại làm tôi chạnh lòng. Thầy giáo Đoàn Phong sắp đến ngày cưới vợ. Vì anh em hết gạo ăn nên thầy xung phong vượt suối đi mua lương thực, không may cơn lũ cuốn trôi anh. Cô vợ sắp cưới  ở nhà nhận tin dữ báo về, bất tỉnh suốt mấy hôm. Chưa hết bàng hoàng, thêm một tin dữ ập đến. Cô giáo trẻ Như Trang chèo đò qua suối đi dạy ở bản lẻ đã bị nước lũ bất ngờ đổ về nhấn chìm. Ba ngày sau dân bản mới tìm thấy xác cô. Từ đó, huyện Đak Rông không bao giờ đưa giáo viên nữ lên dạy học ở xã Ba Nang nữa. Cũng từ đó trong cuộc sống của các thầy giáo ở xã rẻo cao Ba Nang luôn thiếu bóng dáng của các cô giáo miền xuôi….

Lên rừng Trường Sơn: Dạy chữ Bác Hồ ảnh 2

Thầy Hà Công Văn

HỒNG PHÚC

Tin cùng chuyên mục