Xuất bản các loại lịch, đặc biệt là lịch blốc có cần độc quyền hay xã hội hóa, liên kết xuất bản với tư nhân và thậm chí tư nhân hóa một số công đoạn? Đó là vấn đề thường được đưa ra bàn luận hàng năm vào mỗi dịp chuẩn bị mừng năm mới. Tuy nhiên, những năm gần đây người ta vừa xong vụ lịch này đã bắt tay chuẩn bị cho vụ tới. Thế nên từ giữa năm trước đã khởi động vụ lịch năm sau. Vòng xoay cứ thế, ngày một nhanh hơn, khẩn trương hơn.
Kể từ khi nhà xuất bản (NXB) Đại học quốc gia TPHCM nổ phát pháo phá thế độc quyền xuất bản lịch blốc theo tinh thần chỉ đạo và chủ trương của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) vào mùa lịch năm 2006 nhằm phát huy tính chủ động, tự chủ trong hoạt động kinh doanh của các nhà xuất bản, giá lịch bắt đầu giảm, mẫu mã phong phú, đa dạng hơn, màu sắc vui nhộn và xuân sắc hơn. Công chúng có nhiều lựa chọn hơn trong việc mua sản phẩm lịch tết. Nhưng cũng từ đây, một sự mâu thuẫn lợi ích bắt đầu bùng nổ.
Sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nhóm làm lịch, giữa các NXB, các công ty phát hành sách, các đại lý tư nhân bán lịch… đã đẩy giá lịch “bổ nhào” từ cuối vụ đến tết, rất có lợi cho người tiêu dùng nhưng thị trường có lúc không ổn định. Trong khi bà con hể hả xài lịch giá rẻ như bánh trung thu cuối mùa, một số đơn vị làm lịch toát mồ hôi lạnh vì không cạnh tranh nổi với sự năng động, đi tắt đón đầu thị trường của các NXB tự chủ liên kết với tư nhân.
Khó lòng cạnh tranh sòng phẳng được, người ta bắt đầu hồi tưởng và tiếc nuối những năm tháng độc quyền xuất bản lịch blốc, mà lúc ấy có người ví in lịch blốc giống như “in tiền”. Những NXB nhỏ được phân bổ chỉ tiêu số lượng tối thiểu 50.000 blốc có thể bán theo chỉ tiêu và chỉ ngồi không cũng hưởng lợi vài trăm triệu đồng.
Chính vì cái lộc tựa như trời cho ấy của năm xưa mà nay người ta đang tìm cách lập lại thế cũ. Vì vậy đã có ý kiến cho rằng dường như một sự độc quyền kiểu mới hoặc bán độc quyền với cách làm tinh tế hơn. Người ta lập luận phải phân bổ chỉ tiêu, lên kế hoạch duyệt chỉ tiêu để tránh lãng phí của cải xã hội do hàng tồn kho lớn, rằng cần quy hoạch lại việc xuất bản lịch để hợp lý hóa nguồn cung cầu, tránh tình trạng thả nổi hoặc ghim hàng làm giá gây tổn hại lợi ích người tiêu dùng…
Tựu chung người ta có lẽ tô vẽ ra cái lý để nắm trong tay việc xuất bản – in - phát hành lịch blốc mỗi năm. Đó là ý muốn nóng sốt của không phải tất cả mọi đơn vị làm lịch, lại càng không phải của người dân. Những người nhìn dưới góc độ lợi ích của công chúng, khẳng định rằng đã khổ công đấu tranh ra khỏi thế độc quyền, chúng ta không nên quay lại kiểu cũ theo cơ chế “xin - cho” giấy phép để bắt chẹt NXB.
Là NXB liên kết với tư nhân, chắc chắn đồng tiền liền khúc ruột nên không ai dại dột lãng phí của cải của chính mình một khi họ được tự chủ, tự quyết định kế hoạch xuất bản lịch theo năng lực và nhu cầu của thị trường. Họ phải vắt óc, sáng tạo làm ra những sản phẩm đẹp, rẻ, phù hợp với thị trường để còn cạnh tranh và mưu sinh được. Nói lãng phí để trở lại thế độc quyền kiểu mới là khiên cưỡng, áp đặt.
Rõ ràng, với việc bãi bỏ độc quyền lịch blốc từ năm 2006 đến 2010, người dân được hưởng lợi nhiều từ việc mua lịch giá rẻ, mẫu mã đẹp do có nhiều đơn vị cạnh tranh và gần như triệt tiêu chuyện in lịch lậu. Nhà nước chỉ cần phát huy vai trò quản lý và định hướng để tránh sự hỗn loạn thị trường lịch hay cạnh tranh bất chính (nếu có) là đủ.
Xét trên bình diện chung và nhìn dưới góc độ lợi ích của người dân, chuyện bỏ độc quyền xuất bản lịch blốc như mấy năm vừa qua là phù hợp với xu thế của kinh tế thị trường trong giai đoạn hội nhập và phát triển.
XUÂN THÁI