Cuối tuần qua, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 (AMM-45) tổ chức tại Phnom Penh, Campuchia đã bế mạc mà không đưa ra được thông cáo chung như thông lệ. Đây là lần đầu tiên một AMM không đưa ra được thông cáo chung, dù trước đó, các ngoại trưởng đã xem xét tới 18 dự thảo thông cáo chung, nhưng cuối cùng vẫn không thể đi đến kết luận.
Trong số những vướng mắc và khác biệt, dù nói theo cách này hay cách khác thì cốt lõi vẫn là câu chuyện biển Đông không được giải quyết thỏa đáng khi mà một nước lớn luôn muốn giải quyết song phương để dễ bề lấn át các nước nhỏ.
Lại cũng không thể không nhớ rằng, câu chuyện thương nhân nước ngoài thu mua các loại nông thủy sản, gây khó sản xuất trong nước (bất chấp quy định của pháp luật Việt Nam không cho phép họ trực tiếp làm việc đó) đã diễn ra từ nhiều năm nay. Nhưng gần đây, khó khăn đã được đẩy lên đến cao trào với hàng loạt nhà máy phải tạm ngừng sản xuất sau một đợt vét hàng cao điểm chỉ khoảng vài tuần. Như vậy, chúng ta còn phải phấn đấu rất nhiều để trở thành một cường quốc biển trên mọi phương diện.
Hãy khoan bàn đến nhiều yếu tố khác, trên tinh thần “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, phải thắng thắn thừa nhận một điều: Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến chúng ta chưa “khỏe” như mong muốn chính là sự thiếu liên kết, tâm lý “riêng rẽ khỏe ăn”, kiếm lợi ngắn hạn. Trong khi đó, cơ quan quản lý ở một số nơi lại buông lỏng trách nhiệm được giao. Tại sao chỉ với những chiêu bài rất cũ, thương lái nước ngoài đã liên tiếp tạo ra sóng gió trên thị trường? Tại sao ở nhiều nơi vẫn có người sẵn sàng “lật kèo” đã ký với đối tác trong nước, đã đồng hành cùng họ nhiều năm để bán hàng cho người khác với giá cao hơn? Tại sao một số người vẫn sẵn sàng trộn phế thải xây dựng vào chè, trộn cát vào sắn lát, bơm tạp chất vào tôm… dưới sự khuyến khích ngầm của người mua có ý đồ xấu? Tại sao cứ giữ mãi thói quen tin tưởng vào các “hợp đồng miệng” khi đã có nhiều bài học cay đắng? Tại sao ở những vùng biển trọng yếu mà người nước ngoài lại có thể đóng bè nuôi cá như tập đoàn, thậm chí lấy vợ, sinh sống nhiều năm ở địa phương với… hộ chiếu du lịch?!
Tín hiệu mừng là những điểm yếu này đã được nhìn nhận và đang dần được khắc phục. Chủ trương thành lập những tổ đoàn kết sản xuất trên biển những năm gần đây không chỉ giúp ngư dân thuận tiện trong đánh bắt thủy hải sản mà còn giúp xử lý sự cố hữu hiệu hơn, giúp ngư dân vững tin trong những chuyến khơi xa. “Tinh thần biển” ấy rất cần được nhân rộng trên đất liền, trong mọi hoạt động nói chung và sản xuất, kinh doanh thủy hải sản nói riêng.
Một mặt củng cố công tác quản lý, đảm bảo chủ quyền, an ninh chính trị; mặt khác, cánh cửa hợp tác biển cũng đang dần được mở ra. Nói như PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, nhà nghiên cứu biển, chúng ta cần những cơ chế chính sách tốt, khôn ngoan, khơi dậy được những tiềm năng sẵn có chứ không phải chỉ dựa vào chiếc túi ngân sách còn eo hẹp. Khi chính sách tạo ra được điểm hài hòa về lợi ích, chúng ta nhất định sẽ có những đối tác tốt, đối tác mạnh, giúp chúng ta mạnh lên từ biển, làm giàu từ biển…
ANH THƯ