Theo Bộ NN-PTNT, thủy sản là ngành có bước phát triển nhảy vọt trong những năm qua. Từ một bộ phận bé nhỏ thuộc ngành nông nghiệp với điều kiện sản xuất lạc hậu, nay thủy sản đã trở thành ngành kinh tế quan trọng có giá trị xuất khẩu hàng năm rất lớn. Nếu như năm 1981 sản lượng thủy sản cả nước khoảng 600.000 tấn thì nay đạt trên 4,3 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu từ 15,2 triệu USD (năm 1981), nay tăng lên từ 4,2 - 4,5 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành một trong 10 quốc gia sản xuất và xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới.
Hiện cả nước có 330 nhà máy chế biến thủy sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường EU (nhiều nhất khu vực ASEAN), các nhà máy này đương nhiên đủ điều kiện để xuất khẩu thủy sản đi tất cả các nước trên thế giới. Cũng nhờ sự đầu tư đúng hướng nên đến nay sản phẩm thủy sản Việt Nam đã có mặt đến 170 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Mặc dù ngành thủy sản có đóng góp khá lớn về kinh tế - xã hội nhưng do phát triển quá “nóng” đã kéo theo nhiều hệ lụy: môi trường ô nhiễm, cung cầu mất cân đối - lúc thừa lúc thiếu nguyên liệu, cạnh tranh nội bộ bán phá giá - bán hàng kém chất lượng gây mất uy tín…
Bộ NN-PTNT còn cảnh báo tình trạng thức ăn kém chất lượng đang tràn lan khiến người nuôi thiệt hại nặng nề, dẫn đến nguy hại cho ngành thủy sản. Ngoài ra, vấn đề xây dựng thương hiệu đã được đề cập nhiều năm nhưng chưa làm được, trong khi sự “liên kết” về sản xuất và xuất khẩu còn rất lỏng lẻo.
Theo lãnh đạo các sở NN-PTNT khu vực ĐBSCL, điều lo nhất hiện nay là nguồn vốn dành cho thủy sản thiếu trầm trọng. Mấy năm nay các địa phương hô hào phát triển cá tra nhưng chỉ khai thác mà chưa có sự đầu tư căn cơ. Hầu hết các vùng nuôi cá tra ở ĐBSCL chưa được đầu tư thủy lợi, do đó người nuôi lấy kênh mương làm lúa chuyển sang nuôi cá. Thủy lợi không đảm bảo dẫn đến ô nhiễm tràn lan khiến tỷ lệ cá hao hụt tăng liên tục, tình trạng tôm chết thì tràn lan.
Theo đề án “Phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng nhu cầu vốn thực hiện lên đến 1.340 tỷ đồng. Ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ xây dựng thủy lợi cấp 1, cung cấp điện, xử lý môi trường, sản xuất giống tập trung, nghiên cứu khoa học… Ngân sách địa phương dành đầu tư thủy lợi cấp 2, xây phòng thí nghiệm, kiểm nghiệm chất lượng thức ăn, đền bù mặt bằng các vùng quy hoạch… Doanh nghiệp, đầu tư vốn làm hạ tầng vùng nuôi, nâng cấp cơ sở chế biến, xây dựng thương hiệu… Người dân chịu trách nhiệm xây dựng ao nuôi, hệ thống cấp nước thải, mua con giống, thức ăn, hóa chất…
Theo thông tin từ các ngân hàng, nguồn vốn phục vụ phát triển thủy sản không hề thiếu, vấn đề là ngân hàng rất ngại cho vay khi việc nuôi trồng thủy sản cứ phập phù, trồi sụt như hiện nay. Giải quyết việc này, Bộ NN-PTNT cần lập lại trật tự nghề nuôi và xuất khẩu thủy sản. Mô hình phát triển tới đây nên theo hướng liên kết hai nhà giữa “người nuôi và doanh nghiệp”, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò chủ chốt.
Tất cả đầu vào - đầu ra sẽ được kiểm soát chặt chẽ, các ngân hàng cung ứng nguồn vốn cho người nuôi thông qua sự bảo lãnh của doanh nghiệp. Như vậy, người nuôi sẽ đảm bảo vốn sản xuất và đầu ra sản phẩm; doanh nghiệp không còn lo thiếu nguyên liệu; ngân hàng sẽ cho vay tập trung - đúng địa chỉ nên dễ thu hồi vốn trong khi Nhà nước quản lý vùng nuôi, sản lượng, thu hoạch, chế biến, xuất khẩu chặt chẽ và chính xác hơn.
Phương Uyên