Liên nhưng chưa kết

Các nhà máy chế biến thủy sản ở ĐBSCL đang thiếu nguyên liệu trầm trọng. Nhiều nhà máy chạy cầm chừng phân nửa công suất. Con cá ba sa đang được giá, người nuôi đang có lời mỗi ký khoảng 1.000 đồng nhưng không còn cá để bán! Với con tôm cũng vậy, thiếu trầm trọng. Không ít công ty thủy sản kinh doanh mặt hàng này, để đảm bảo hợp đồng giao hàng đúng hẹn, đã phải tính đến chuyện nhập khẩu tôm nguyên liệu dù biết cầm chắc không có lời nhưng vẫn phải làm để giữ chữ tín với khách hàng.

Không chỉ với ngành thủy sản mà với ngành mía đường cũng vậy. Các nhà máy đang đói nguyên liệu, ngày chạy ngày nghỉ, hoặc chạy 30%-50% công suất. Nông nghiệp vốn là thế mạnh của ta, và nhiều loại nông sản là nguyên liệu của các ngành công nghiệp, tại sao lại có tình trạng nghịch lý trên? Do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là thiếu sự liên kết phát huy lợi thế của nhau trong làm ăn.

Cây mía, con cá ba sa là cây trồng, vật nuôi một thời làm giàu cho nông dân đồng bằng sông Cửu Long. Thế tại sao nông dân quay lưng lại với thế mạnh đó? Vì năm 2008 cây mía, con cá ba sa rớt giá, lỗ nặng, cụt vốn nên họ treo ao, thu hẹp diện tích. Thế là dẫn đến hậu quả khi kinh tế phục hồi có thị trường, có khách hàng và được giá thì nhà máy thiếu nguyên liệu.

Hậu quả này có thể khắc phục nếu các bên nhà doanh nghiệp và nông dân liên kết cùng nhau tính chuyện làm ăn lâu dài, hài hòa lợi ích giữa các bên lãi cùng hưởng, lỗ cùng chịu. Đứng về mặt quản lý vĩ mô, Chính phủ đã thấy điều này, đã có Quyết định 80 đặt vấn đề liên kết 4 nhà (nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học) hỗ trợ nhau làm ăn để phát huy lợi thế và làm tăng giá trị nông sản VN.

Tiếc là sau 4 năm, cho đến thời điểm hiện nay chưa có mô hình liên kết 4 nhà nào thành công! Kiểu làm ăn cá thể, manh mún, mạnh ai nấy làm chỉ biết lợi ích riêng là cản ngại lớn nhất trong bước đường liên kết làm ăn lớn trong xu thế hội nhập hiện nay. Và hậu quả là kinh tế của ta tụt hậu xa hơn so với khu vực và thế giới.

Tổng công suất các nhà máy đường cả nước khoảng 1,6 - 1,7 triệu tấn/năm nhưng do thiếu mía dẫn đến thiếu đường, giá đường tăng vọt đến mức Nhà nước tính đến chuyện phải nhập khẩu đường. Mà nhập khẩu thì phải tốn ngoại tệ trong khi ta đang rất cần ngoại tệ cho các nhu cầu bức thiết khác. Đó là chưa nói đến tình trạng đường ngoại nhập lậu giá rẻ hơn đang tràn vào nước ta.

Nông nghiệp vốn là thế mạnh của ta. Năm 2009 tuy bị ảnh hưởng của cơn suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng kim ngạch xuất khẩu nông sản của ta vẫn không giảm, đạt hơn 15 tỷ USD là một thành quả đáng kể. Thành quả này còn có thể cao hơn nếu phần lớn nông sản, thủy sản của ta được đầu tư chế biến sâu thay vì xuất thô như hiện nay.

Và kết quả này chỉ có thể được thực hiện bằng con đường liên kết công nông nghiệp. Tìm cho được mô hình liên kết công nông nghiệp làm ăn lớn, có hiệu quả là vấn đề cần thiết hiện nay khi mà hàng hóa của ta, trước hết là hàng nông sản còn kém sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới.

LÊ MINH

Tin cùng chuyên mục