Hàng chục năm qua, biết bao thế hệ người dân ở thôn Trung Lưu và Phố Tây (thuộc xã Sơn Tây, huyện miền núi Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) hằng mơ ước có một chiếc cầu kiên cố bắc qua sông Ngàn Phố để đi lại an toàn, không còn bị cô lập mỗi khi mưa lũ về. Thế nhưng, mơ ước này chưa thể thành hiện thực vì họ vẫn đang phải đánh cược tính mạng của mình trên con đò nhỏ để bám dây thừng qua sông.
Đu dây
Thôn Trung Lưu và thôn Phố Tây nằm cạnh dòng sông Ngàn Phố, vì vậy muốn đến trung tâm UBND xã Sơn Tây phải chọn một trong hai con đường “huyết mạch”. Một là đường bộ lởm chởm đá và phải đi vòng hơn 20km, hai là đi đò gỗ ngang qua sông Ngàn Phố, rút ngắn được quãng đường còn khoảng 5km. Và suốt mấy chục năm qua, người dân và học sinh các cấp ở nơi đây không còn cách lựa chọn nào khác, đành phải quyết định qua sông, mặc dù biết rằng tính mạng không thực sự an toàn.
Anh Trần Văn Có đang bám vào sợi dây thừng để điều khiển đò chở người dân và phương tiện sang bên kia sông.
Theo quan sát của chúng tôi, phương tiện duy nhất để đưa người dân Trung Lưu, Phố Tây qua sông đó là một chiếc đò bằng gỗ tự chế đã xuống cấp, dài khoảng 4m, rộng gần 2m, xung quanh không hề có lan can hay tay vịn chắn hiểm, mặt đò được lát ghép bởi các tấm gỗ mỏng và trải qua thời gian, một số tấm gỗ đã nứt toác bung ra rời rạc tạo thành những khe rãnh lồi lõm, thân đò cũng xuất hiện một số lỗ thủng. Để tiếp tục lưu hành, chủ đò tạm thời phải lấy tấm vải hoặc thanh gỗ nhỏ bịt kín để ngăn không cho nước lọt vào bên trong. Cứ mỗi lần di chuyển trước dòng nước chảy xiết, chủ đò phải dùng cả hai tay cố bấu víu chặt vào một sợi dây thừng được buộc nối từ phía bờ sông bên này sang bờ sông bên kia, sau đó kéo mạnh sợi dây thừng để điều khiển, nếu lỡ tay thì cả chiếc đò và hành khách sẽ bị dòng nước cuốn trôi lật chìm ngay lập tức…
Mới bước vào làm nghề lái đò được hơn 1 năm, anh Trần Văn Có (36 tuổi, ở xã Sơn Tây) cho biết, khoảng cách từ bờ bên này sang bờ bên kia sông Ngàn Phố gần 100m. Hàng ngày đò hoạt động liên tục để chở hàng trăm lượt người dân, học sinh của thôn Trung Lưu, Phố Tây và các thôn vùng ngoài qua lại nơi đây, chưa kể xe đạp, xe máy. Vào lúc nước cạn, điểm sâu nhất của đoạn sông này cũng 1,5-2,5m nhưng vào mùa mưa lũ, nước sông dâng lên 7-8m, khi đó cả Trung Lưu và Phố Tây đều bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài, đò cũng không thể hoạt động được vì quá nguy hiểm. Đã có nhiều trường hợp bị ngã rơi xuống sông khiến xây xước, nhưng rất may kịp thời phát hiện nên chưa có ai bị chết đuối.
Cùng đi trên chuyến đò, chị Trần Thị Hoa (ở xã Sơn Tây) lo lắng, tội nhất là các em học sinh cấp 2 và cấp 3, do trường xa lại phải đi đò, nên hàng ngày phải dậy thật sớm đi học cho kịp giờ. Đây cũng là lúc nguy hiểm nhất khi chỉ có mỗi một chiếc đò trong khi học sinh lại quá đông, nếu xảy ra tai nạn thì trở tay không kịp. Còn anh Lê Đức Hùng (quê ở thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) cho biết, đây là lần đầu tiên anh có việc đến thôn Trung Lưu, Phố Tây của xã Sơn Tây. Nhưng khi vừa đặt chân đến đây cũng không khỏi giật mình khi phải tận mắt chứng kiến cảnh hàng chục người dân địa phương, trong đó có cả học sinh và xe đạp, xe máy chen chúc trên một chiếc đò gỗ nhỏ đã cũ kỹ lại không có áo phao, đò thiếu lan can chắn hiểm, lái đò thì cứ dùng tay đu bám phụ thuộc vào chiếc dây thừng để “lái” đò qua sông. Vì vậy, nếu xảy ra tai nạn lật đò thì hậu quả sẽ khôn lường.
Ước mong một chiếc cầu
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Xuân Đường, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Tây cho biết, hiện tại thôn Trung Lưu và Phố Tây có trên 300 hộ dân với trên 600 nhân khẩu, chủ yếu làm ruộng, chăn nuôi, trồng chè công nghiệp, đi rừng… với mức thu nhập bình quân khoảng 12 - 15 triệu đồng/người/năm. Ngoài ra, tại đây còn có Tổng đội Thanh niên xung phong lên làm kinh tế mới với 160 hộ, khoảng 320 nhân khẩu và có các đơn vị của Ban quản lý Khu Bảo tồn Vườn quốc gia Vũ Quang, Nông trường chè Tây Sơn làm việc. Tuy nhiên, vì không có cầu bắc qua sông nên cuộc sống của người dân ở đây vô cùng khổ cực, đi lại rất khó khăn. Điều kiện ngân sách của xã có hạn nên cũng không thể làm gì được. Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần họp dân lấy ý kiến, rồi làm văn bản kiến nghị lên UBND huyện, UBND tỉnh và các cấp ngành xem xét hỗ trợ kinh phí để có thể xây dựng một cây cầu dân sinh giúp người dân bớt khổ...
Hàng ngày các em học sinh ở thôn Trung Lưu và Phố Tây phải dậy thật sớm để đi đò qua sông đến trường học.
Em Trần Quang Huy (học sinh Trường THPT Cao Thắng) cho biết, năm học nào cũng vậy, khi đi đò qua sông để đến trường đều có bạn bị rơi cả người lẫn xe đạp, sách vở xuống sông khiến hư hỏng hết. Nhiều khi trời mưa rét hoặc nước sông dâng lên đột ngột nên đò không hoạt động, nếu bạn nào đã đến trường rồi thì phải ở lại trường không về nhà được, nếu đang ở nhà thì phải nghỉ học hoặc trường cũng tạm nghỉ chờ khi nào nước rút mới trở lại học bình thường. Mọi người ở đây đều ước mong xây dựng một cây cầu để bớt nguy hiểm, bớt khó khăn khổ cực.
“Tháng 4-2015 vừa qua, Nhà nước và tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có chủ trương phê duyệt nguồn kinh phí hàng tỷ đồng để đầu tư xây dựng một cây cầu tràn kiên cố bắc qua sông Ngàn Phố, nối trung tâm xã với khu vực phía Tây. Dự kiến cầu dài khoảng hơn 150m. Một số cơ quan chức năng trên tỉnh, huyện về đây khảo sát, đo đạc, khoan thăm dò địa chất, địa hình… Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chúng tôi cũng chưa biết khi nào dự án mới chính thức được triển khai”, ông Phan Xuân Đường cho biết thêm.
Người dân thôn Trung Lưu và Phố Tây cho biết, đã có hàng chục trường hợp bị ngã xuống sông Ngàn Phố khi đi đò, nhưng rất may không có thiệt hại về người nhưng nhiều nông sản, phương tiện hư hỏng. Do quá phụ thuộc vào sông nước và đò nên khi đò ngừng hoạt động đột ngột, chẳng những học sinh không thể đến trường mà người bệnh không thể đến bệnh viện cấp cứu kịp thời, phụ nữ mang thai trở dạ buộc phải sinh nở ngay tại bến sông. Không những thế, rất nhiều hoạt động khác bị đình trệ, mùa nào người dân ở 2 thôn này cũng phải chịu cảnh bán nông sản chưa bằng một nửa giá thị trường vì giá chi phí vận chuyển quá cao. Trước đây, dọc ven sông của 2 thôn đã được quy hoạch thành khu vực trồng mía nguyên liệu, nhưng sau nhiều lần về thăm dò, các doanh nghiệp cũng đành phải bỏ cuộc do không có cầu qua lại. |
DƯƠNG QUANG