Lính đặc nhiệm ở thao trường

Vào ngành công an, các chiến sĩ có nhiều con đường để đến với lực lượng đặc nhiệm cơ động. Nhưng, chỉ có một con đường để trở thành lính đặc nhiệm tinh nhuệ, được tham gia các vụ án đột xuất. Con đường đầy gian nan, khó khăn, thử thách và thậm chí là máu và nước mắt. Đó là đường đến thao trường…
Lính đặc nhiệm ở thao trường

Vào ngành công an, các chiến sĩ có nhiều con đường để đến với lực lượng đặc nhiệm cơ động. Nhưng, chỉ có một con đường để trở thành lính đặc nhiệm tinh nhuệ, được tham gia các vụ án đột xuất. Con đường đầy gian nan, khó khăn, thử thách và thậm chí là máu và nước mắt. Đó là đường đến thao trường…

  • Bí mật, bất ngờ!

Mặt trời treo lơ lửng trên đầu. Cái nắng gay gắt đầu xuân ở TPHCM vẫn không làm lính đặc nhiệm cơ động nao núng. Tiếng chân vẫn chạy rầm rập ở sân của Trung đoàn Cảnh sát cơ động, Công an TPHCM. Đây là thao trường chính của lính đặc nhiệm. Sau khẩu hiệu đanh gọn của đại úy Trần Thành Nhơn, Đại đội phó Đại đội đặc nhiệm, từ góc sân bên kia, các chiến sĩ đặc nhiệm lao nhanh về vị trí tập kết. Trên nóc của tòa nhà, một tốp 4 lính đặc nhiệm nắm chặt sợi dây cáp, trong tư thế xoay người lại và từ từ buông người xuống.

Vừa rời khỏi nóc nhà, các đặc nhiệm quay người lại và chạy nhẹ nhàng trên tường. Khi ngang qua các cửa sổ, các đặc nhiệm nhanh chóng nhìn vào quan sát, rồi đi thẳng xuống đất. Bộ đàm của đại úy Nhơn bỗng phát ra tiếng “Tầng 2”. Ngay lập tức đại úy Nhơn ra lệnh: “Số 1 đột nhập tầng 2! Số 2, số 3, số 4 hỗ trợ”. Chỉ chờ có vậy, trên nóc nhà, 4 đặc nhiệm thả ngược người xuống. Khi còn cách cửa sổ tầng 2 khoảng nửa mét, đặc nhiệm số 1 đảo nhẹ người rồi chui tọt vào. Hai lính đặc nhiệm khác cùng xoay người, chung lưng nhau, phóng vào cửa sổ.

Tích tắc sau, đặc nhiệm số 4 cũng phóng vào cửa sổ ở gần đó. Vừa chạm đất, các đặc nhiệm đã nhào vào khống chế con tin. Bộ đàm của đại úy Nhơn lại vang lên một tiếng “Xong”. Bài tập “Đu dây khống chế con tin” hoàn tất.

Lính đặc nhiệm cơ động đang miệt mài luyện tập trên thao trường.

Lính đặc nhiệm cơ động đang miệt mài luyện tập trên thao trường.

Quay qua góc sân bên phải, đại úy Nhơn tiếp tục ra lệnh qua bộ đàm. Chỉ một cái nhún nhẹ nhàng, trung úy Nguyễn Văn Ngọc Quý đã bám chặt tay vào lá sách cửa sổ cách mặt đất gần 2m, rồi tung người lên tấm ô văng (chắn mưa cửa sổ) ở phía trên. Vừa yên vị trên ô văng, trung úy Ngọc Quý thụp người xuống, chờ lệnh. Binh nhất Dương Thành Phước được lệnh xuất phát. Phước chạy thật nhanh rồi phóng người ôm ống thoát nước, leo thoăn thoắt lên.

Đến ngang khu vực lầu 2, Quý nhoài người qua chụp cánh cửa sổ, rồi chui tọt vào bên trong. Chỉ đợi có vậy, từ tấm ô văng lầu 1, Ngọc Quý phóng người lên chụp lá sách cửa sổ lầu 2 và cũng chui gọn vào bên trong hỗ trợ. Hung thủ ở bên trong chưa kịp trở tay đã bị 2 đặc nhiệm khống chế. Bài tập “Leo chắn mưa cửa sổ” kết thúc. Buổi tập luyện tạm kết thúc khi mặt trời chiếu thẳng xuống sân xi măng và hắt cái nóng hầm hập.

  • Lời nói dối chân thật

Các đặc nhiệm tản ra. Một số lững thững đi về phòng nghỉ, số khác bước thẳng vào căng-tin đơn vị. Đưa tay quệt mồ hôi đang chảy ròng ròng trên trán, đại úy Nhơn cho biết: “Gần tết rồi mà nắng vẫn còn gay gắt. Còn một số bài tập nữa, nhưng nắng quá nên cho anh em nghỉ sớm, chiều tập tiếp”. Qua trao đổi, chúng tôi được biết anh cán bộ trẻ này là con em của vùng “đất thép thành đồng” Củ Chi, đã 13 năm ròng rã công tác tại đơn vị duy nhất là đặc nhiệm.

Đại úy Nhơn tâm sự: “Lúc mới vào ngành công an, tôi được đơn vị cử đi học lớp huấn luyện đặc công. Thế là tôi biết ngay mình sẽ là lính đặc nhiệm của Trung đoàn Cảnh sát cơ động. Các bài học ở Trường Huấn luyện đặc công hay Trường Trung cấp Cảnh sát vũ trang (đơn vị huấn luyện cảnh sát đặc nhiệm, Bộ Công an) đã bổ trợ rất nhiều cho anh em chúng tôi trong công tác sau này. Đó là các động tác vận động, võ thuật cơ bản và chúng tôi đã ứng dụng vào thực tế với sự phát triển của xã hội, của thành phố và với mọi mô hình. Ngẫm lại ông bà ta nói “Luyện binh 3 năm, sử dụng 1 giờ” rất đúng. Anh em chúng tôi ngày đêm luyện tập. Chỉ có luyện tập thuần thục các động tác, chúng tôi mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ”.

Mồ hôi ướt đẫm quân phục đã đành, máu và nước mắt cũng không thiếu tại các buổi tập với cường độ ngày càng cao tại thao trường. Lúc này, chúng tôi mới để ý thấy nhiều khu vực bờ tường, lan can của tòa nhà đều bị bể loang lổ.

Đại úy Nhơn cười cho biết: “Chuyện thương tích khi luyện tập là bình thường. Tình huống giả định liên tục thay đổi, đâu phải ai cũng thực hiện thành công. Chuyện đụng đầu nhau khi cùng chui vào cửa sổ hay lúc vận động chạy trên tường, đu máng xối, ống nước… xảy ra thường xuyên. Có va chạm thì anh em mới trưởng thành. Nhưng, thương nhất là bị thương tích khi tập luyện thì anh em đều giấu gia đình, người thân”. Đó là một thực tế có thật. Nhiệm vụ chính của đặc nhiệm cơ động là bất ngờ, bí mật đột nhập giải cứu con tin, khống chế tội phạm. Mà những tội phạm loại này thì thường manh động, liều lĩnh, có vũ khí và sẵn sàng chống trả. Chính vì công tác đặc biệt này mà anh em đặc nhiệm cơ động thường giấu gia đình và người thân của mình.

Trung úy Nguyễn Văn Ngọc Quý tâm sự: “Tôi rất tự hào là người lính đặc nhiệm. Bởi lẽ, công việc của tôi và anh em trong đại đội rất vinh quang, đem lại bình yên cho người dân. Anh em chúng tôi cũng thấu hiểu rằng, mỗi lần ra quân là mỗi lần đối mặt với đối tượng nguy hiểm, có súng hay hung khí trên tay. Thương tích và hy sinh là 50/50 dù trước khi xuất quân, chúng tôi đã được trang bị đủ thiết bị phòng vệ. Do vậy, cũng như anh em ở đơn vị, tôi giấu gia đình và người thân về cái nghề đặc biệt này và chỉ nói mình là người công an nhân dân. Có lẽ nói dối trong trường hợp này là vô hại!”. Lời nói dối chân thật! 

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục