Linh hoạt các hình thức hòa giải

Sáng nay 31-5, Quốc hội nghe báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật hòa giải cơ sở.

(SGGPO). – Sáng nay 31-5, Quốc hội nghe báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật hòa giải cơ sở. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, sau 13 năm thực hiện Pháp lệnh hòa giải, tỷ lệ hòa giải đạt cao, vì vậy cần thiết ban hành luật để công tác này ở cơ sở có kết quả cao hơn.

Dự thảo Luật Hòa giải cơ sở được trình Quốc hội thông qua gồm 5 chương, 33 điều đã được tiếp thu, chỉnh lý theo các hướng không điều chỉnh các hình thức hòa giải thích hợp khác của nhân dân ở cơ sở mà quy định theo hướng Nhà nước khuyến khích các hoạt động này để tiếp tục duy trì, thúc đẩy các hình thức hòa giải khác nhằm phát huy sức mạnh cũng như sự tham gia của các tổ chức, cá nhân có uy tín trong cộng đồng với hoạt động này. Đối với việc bầu hay lựa chọn hòa giải viên, ý kiến của cơ quan chuyên môn của Quốc hội nghiêng về phương án tránh hành chính hóa, phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và đơn giản thủ tục. Sau khi UBND xã công nhận, hòa giải viên phải công bố công khai cho nhân dân biết.

Thảo luận về dự án luật này, nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định rõ ràng về những trường hợp cần hòa giải, theo đó những trường hợp không phải xử lý hình sự, hành chính thì tiến hành hòa giải. Theo đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa), về phạm vi hòa giải, dự thảo lần này đã xác định các trường hợp loại trừ là tiếp thu cần thiết. Tuy nhiên, đối với các trường hợp tội phạm, hành vi làm nhục người khác, vô ý làm tổn thương người khác.. thì không nên quy định cứng, nên linh hoạt để người dân được hòa giải nếu nạn nhân đồng thuận.

Đại biểu Cao Thị Xuân cũng cho rằng, không nên quy định cứng tội phạm có yếu tố cấu thành hình sự thì không được hòa giải. Thực tế, các hành vi bạo lực gia đình, tội phạm vị thành niên, người có dấu hiệu tâm thần… nên cho phép hòa giải nếu các bên thỏa thuận được.

Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) cũng đồng ý phạm vi các vụ được hòa giải theo phương pháp loại trừ, vì ở cơ sở số vụ việc rất đa dạng, nên nếu quy định cứng các trường hợp được hòa giải sẽ khó thực hiện. Nguyễn Thị Thu Hằng (Nam Định) cũng tán thành, những tranh chấp trong cộng đồng cư dân rất đa dạng, các văn bản pháp luật không thể thống kê hết, vì thế đồng ý phạm vi hòa giải ở cơ sở theo hướng loại trừ.

Về vấn đề bầu hay lựa chọn hòa giải viên, nhiều ý kiến tán thành bầu hòa giải viên nhưng cần quy định tỷ lệ cứng 1/2 hộ gia đình họp để bầu hòa giải viên. Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm chọn phương án bầu và công nhận hòa giải viên.

Nhiều đại biểu khác cũng đồng ý phương án này, vì hòa giải viên phải có uy tín, có phẩm chất đạo đức tốt, được cộng đồng công nhận, được Chủ tịch UBND xã có quyết định công nhận. Tuy nhiên, cần đơn giản hóa về quy trình bầu hòa giải viên.

Tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Tuấn Dương (Hải Dương), đại biểu Nguyễn Thị Thu Hằng (Nam Định) lại cho rằng nên lựa chọn để linh hoạt, tránh hành chính hoạt động này vì hòa giải vốn là việc hoàn toàn tự nguyện. Ông Dương cũng đề xuất, nên có khoản tiền bồi dưỡng cho hòa giải viên khi thực hiện thành công (hoặc không thành công) các vụ hòa giải, trong đó nếu hòa giải thành thì mức bồi dưỡng cao hơn.

Chiều nay, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Tiếp công dân, dự án Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục