Lính Trung đoàn Thủ đô

Lính Trung đoàn Thủ đô

Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Trung đoàn Thủ đô và hướng tới kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Đảng CSVN, Ban Liên lạc Cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn Thủ đô tại TPHCM vừa tổ chức buổi gặp mặt những người lính năm xưa để ôn lại truyền thống về lịch sử đấu tranh cách mạng và kể cho nhau nghe những câu chuyện cảm động về tình đồng chí, đồng đội trong chiến tranh ác liệt chống giặc ngoại xâm.

Những cựu chiến binh Trung đoàn Thủ đô trong ngày gặp mặt.

Những cựu chiến binh Trung đoàn Thủ đô trong ngày gặp mặt.

Đại tá Nguyễn Văn Lâm, Trưởng ban Liên lạc CCB Trung đoàn Thủ đô, cho biết: “Trung đoàn Thủ đô là một trong những trung đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta. Trung đoàn ra đời giữa lòng thủ đô Hà Nội trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Trung đoàn Thủ đô đã khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và quân đội giao phó, luôn xứng đáng với truyền thống quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh…”.

Trung tá Trần Mùi, năm nay đã 80 tuổi đời, 55 năm tuổi Đảng, là một trong những chiến sĩ cảm tử bảo vệ thủ đô năm xưa, bồi hồi nhớ lại: “Thấm thoắt đã 65 năm trôi qua nhưng những ngày đầu toàn quốc kháng chiến vẫn còn vẹn nguyên trong tâm hồn thế hệ chúng tôi. Lúc ấy, tôi mới 15 tuổi, là người gốc Hà Nội. Khi nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và lệnh chiến đấu của Tổng chỉ huy quân đội Việt Nam Võ Nguyên Giáp gửi đến toàn thể LLVT nhân dân, mấy anh em chúng tôi ai nấy đều hừng hực khí thế, phải xông tới giết giặc cứu nước dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng…”.

Cho đến tận hôm nay, các CCB Trung đoàn Thủ đô như Tạ Quang Hiền, Phạm Quốc Tuấn, Nguyễn Thị An, Hoàng Đông, Bùi Bích Hiệp… vẫn chưa hết xúc động khi nhớ lại đúng thời điểm chiến đấu chống thực dân Pháp căng thẳng nhất tại thủ đô Hà Nội, ngày mùng 1 Tết Đinh Hợi (năm 1947), Bác Hồ đã gửi thư thăm hỏi, động viên các chiến sĩ trong đội cảm tử bảo vệ thủ đô Hà Nội. Hai tháng sau, Bác Hồ lại gửi thư khen ngợi cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô: “Các chú giam chân địch được một tháng đã là thắng lợi, nay giữ Hà Nội được hai tháng là đại thắng lợi…”.

Sau 60 ngày đêm chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược, quân ta đã tiêu diệt và bắt sống được 2.000 tên địch, phá hủy 22 xe tăng và xe bọc thép, 31 xe vận tải, bắn rơi và bắn hỏng 8 máy bay, bắn chìm 2 ca nô của địch… Sau khi kìm chân địch, Trung đoàn Thủ đô được lệnh vượt sông Hồng rút về làng Thượng Hội, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây để bổ sung lực lượng, mở chiến dịch Việt Bắc đánh địch. Sau chiến thắng Việt Bắc, Trung đoàn Thủ đô còn lập nhiều chiến công vang dội khác tại các chiến dịch Đông Bắc, Sông Lô, Sông Thao, Trung Du, Hà Nam Ninh, Hòa Bình… rồi đến chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Trung tá Trần Mùi, một trong những người lính trong đội cảm tử, nhớ lại kỷ niệm thiêng liêng theo suốt cuộc đời mình: “Tại chiến trường Điện Biên Phủ, lớp trẻ chúng tôi gồm 6 người được vinh dự kết nạp Đảng ngay giữa chiến trường. Ngày ấy vai trò của Đảng là hạt nhân trong tổ chiến đấu, cứ 3 người thì có 1 đảng viên nên tổ chức Đảng rất mạnh, luôn hiểu rõ tư tưởng và hành động của từng người. Nhờ đó, quân ta đánh đâu thắng đó, tạo những quả đấm thép giáng mạnh xuống đầu thù. Từ khi trở thành đảng viên, mỗi chúng tôi chiến đấu hăng say hơn, sống gương mẫu hơn để xứng đáng là người đảng viên trung kiên của Đảng…”.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, những người lính Trung đoàn Thủ đô trở về tiếp quản thủ đô Hà Nội trong niềm vui vô bờ… Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã gửi thư biểu dương: “Trung đoàn Thủ đô đã nối tiếp truyền thống oanh liệt của các vị anh hùng dân tộc, trở thành điểm sáng lịch sử…”. Sau ngày giải phóng thủ đô Hà Nội, những người lính “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của Trung đoàn Thủ đô lại tiếp tục có mặt trong đoàn quân lên đường vào Nam chiến đấu với tinh thần “nơi nào còn giặc là ta còn hành quân đi chiến đấu…”.

Chính vì vậy, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô có mặt hầu hết tại các chiến trường Quảng Bình, Quảng Trị, đường 9 Nam Lào, Khe Sanh... cho đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Với chiến công nối tiếp chiến công trong suốt hai thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Trung đoàn Thủ đô đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 35 Huân chương Quân công và Chiến công các loại. Năm 1973, Trung đoàn Thủ đô được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhiều cán bộ chiến sĩ được phong danh hiệu Anh hùng LLVT và trở thành những tướng lĩnh lừng danh trong quân đội.

Minh Ngọc

Tin cùng chuyên mục