Từng là người lính Trường Sơn, bị thương tích 81% sức khỏe. Với niềm tin yêu vô bờ đối với Bác Hồ, suốt gần 30 năm nay, ông đã cất công đi sưu tầm 500 bức ảnh và tư liệu về Bác, lập thành bộ sưu tập, “phòng trưng bày” phục vụ người dân trong vùng. Nhiều người đến thăm đều chung cảm nhận, có lẽ bộ sưu tập và “phòng trưng bày” của ông là độc nhất vô nhị. Ông là Tạ Quang Lộc (ảnh), hiện ở khối Tân Hợp, phường Hưng Dũng, TP Vinh, Nghệ An.
D.CƯỜNG
Trường Sa nhớ Bác
Tại thời điểm này, khi đi bất cứ nơi nào ở các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa, chúng ta đều dễ dàng nhìn thấy bàn thờ Bác Hồ. Dù còn nhiều khó khăn, gian khổ trong sinh hoạt, huấn luyện và tổ chức sẵn sàng chiến đấu… nhưng quân và dân quần đảo Trường Sa đều dành vị trí trang trọng nhất trong doanh trại hay nhà ở của mình làm nơi đặt bàn thờ Bác.
Hạ sĩ Phạm Văn Trọng (22 tuổi, nhà ở phường 2, quận 8 TPHCM) đang phục vụ tại đảo An Bang, cho biết: “Sau một thời gian phục vụ trong quân ngũ, nhờ sự huấn luyện và giáo dục chặt chẽ của chỉ huy đảo An Bang, tôi đã trưởng thành rất nhiều. Thực hiện và thấm nhuần lời dạy của Bác, tôi đã vượt qua thử thách trong huấn luyện và tham gia công tác sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ biển đảo quê hương”.
Chúng tôi thật sự xúc động khi ghé thăm các nhà dân ở đảo Trường Sa Lớn. Ai cũng chọn vị trí trang trọng trong phòng khách nhà mình để thờ Bác Hồ. Ông Nguyễn Xuân Yên, một người dân ở đảo, cho biết: “Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo thị trấn Trường Sa, hiện nay cuộc sống của gia đình tôi đã ổn định. Vợ chồng tôi đều có việc làm, các con tôi được đến lớp. Vợ chồng tôi rất biết ơn Đảng, Bác Hồ đã cho chúng tôi cuộc sống hôm nay!”.
Đ.HIỆP