Lĩnh vực xử lý nước hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

Tái chế nước, thoát nước và xử lý nước thải đang là những thách thức lớn đối với các đô thị Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài lại đánh giá đây là thị trường đầy tiềm năng và nếu có sự hợp tác tốt sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên. 

 

 

Xử lý nước thải, lĩnh vực được doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đầu tư Ảnh: THÀNH TRÍ
Xử lý nước thải, lĩnh vực được doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đầu tư Ảnh: THÀNH TRÍ
Nền tảng công nghệ hiện đại

Kêu gọi doanh nghiệp ngoại đầu tư vào lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải được xem là biện pháp khả thi trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách còn nhiều hạn chế. Thời gian qua cũng đã có nhiều đối tác đến từ các quốc gia trên thế giới bày tỏ mong muốn được hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực xử lý nước. Đại diện Công ty Polymem (Pháp) cho biết, với nền tảng công nghệ hiện đại trong lĩnh vực xử lý nước, hiện công ty đã có mặt tại 45 quốc gia trên thế giới để hợp tác trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có dự án nào được hợp tác giữa hai bên nên công ty muốn được tiếp cận, hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vục xử lý nước. Tương tự, bà Foriana Maria Renna, đại diện Công ty ATB Riva Calzoni (Ý) cho biết, bài toán xử lý nước; đặc biệt là xử lý nước thải từ sinh hoạt tại các đô thị ở Việt Nam hiện đang bị bỏ ngỏ do hạn chế về công nghệ và nguồn vốn. Trong khi đó, công nghệ để xử lý lĩnh vực này lại đang phát triển khá mạnh trên thế giới. Với thế mạnh về công nghệ, Công ty ATB Riva Calzoni luôn chú trọng đến việc xử lý nước thải và tiếp tục áp dụng công nghệ để xử lý bùn lắng thành những nguyên liệu có ích như phân bón. Công nghệ của công ty là quy trình khép kín, từ xử lý đầu vào đến chất lượng đầu ra. Tất cả phải đảm bảo các yếu tố về môi trường, đa dạng sinh học và hướng đến các sản phẩm thân thiện với môi trường, oganic. Bà Foriana Maria Renna cho rằng, Việt Nam đang có nhu cầu lớn trong việc xử lý nguồn nước, từ nước sạch đến nước thải. Đây là cơ hội cho Công ty ATB Riva Calzoni có thể hợp tác để cùng nhau giải quyết các vấn nạn về môi trường hiện nay.

Ông Nicola Martinuzzi, Giám đốc Công ty Danieli (Ý), cho biết công ty đã chính thức mở văn phòng đại diện tại TPHCM, hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thiết bị cho các nhà máy cấp nước và xử lý nước thải. “Chúng tôi tin tưởng vào tiềm năng phát triển tại Việt Nam. Ngày nay, các nhà máy sản xuất công nghiệp đang quan tâm nhiều hơn đến tác động môi trường từ quy trình sản xuất của họ và tiết kiệm nước cũng là tiết kiệm tiền. Các quy định và bộ luật hiện hành đang buộc các nhà máy phải tái sử dụng nguồn nước, giảm lượng nước thải và thường xuyên dự trữ sẵn lượng nước nhất định từ sông hoặc giếng khoan. Sử dụng nguồn nước chất lượng tốt, đồng nghĩa với việc tạo ra chất lượng sản phẩm tốt. Nguồn nước ít tạp chất sẽ giúp gia tăng tuổi thọ của thiết bị, đồng thời giảm chi phí bảo trì. Tất cả nhà máy trong hệ thống Danieli đều đáp ứng tiêu chuẩn của khối cộng đồng chung châu Âu. Ngoài ra, các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn đều được thực hiện và tuân thủ theo luật định của nước sở tại hoặc phù hợp với yêu cầu của khách hàng. Công ty Danieli hy vọng có thể hợp tác được với các đối tác của Việt Nam để thực hiện các dự án xử lý  nước”, ông Nicola Martinuzzi nêu nguyện vọng.
 
Cung cầu gặp nhau

Để kêu gọi xã hội hóa đầu tư các dự án giảm thiểu ô nhiễm môi trường, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch xã hội hóa đầu tư trên địa bàn thành phố, giai đoạn năm 2017-2020. Trong đó, về lĩnh vực tài nguyên và môi trường có đề cập đến việc thành phố sẽ đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích các cá nhân, tổ chức và cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường; khuyến khích mọi thành phần tham gia các dịch vụ thu gom, tái sử dụng, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải - nước thải và các dịch vụ bảo vệ môi trường khác. Đặc biệt, thành phố sẽ đưa ra lộ trình phù hợp để điều chỉnh phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt, giá dịch vụ thoát nước phục vụ nhu cầu quản lý, vận hành hệ thống thoát nước, xử lý môi trường nước… Trao đổi về nội dung này, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình Chống ngập nước TPHCM, cho biết trong quá trình phát triển kinh tế, vấn đề tăng dân số, tốc độ đô thị hóa nhanh và tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng không nhỏ đến điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM, trong đó có vấn đề ngập lụt đô thị. Nhằm khắc phục những ảnh hưởng bất lợi này, thời gian qua thành phố đã triển khai nghiên cứu xây dựng kịch bản và chiến lược tổng thể chống ngập, thực hiện nhiều giải pháp công trình và phi công trình có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, chủ động tìm kiếm các ứng dụng công nghệ mới, hợp tác khoa học - công nghệ trong lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải để đem lại hiệu quả tốt nhất. Mới đây, trung tâm đã ký thỏa thuận với Trường Đại học Kiến trúc Venice (Ý) để cùng nhau thúc đẩy chuyển giao công nghệ, các mô hình chống ngập, xử lý nước tiên tiến để áp dụng cho TPHCM. 

Nhiều ý kiến cho rằng, việc các nhà đầu tư ngoại ngày càng quan tâm nhiều đến việc xử lý nước tại TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ là điều kiện thuận lợi để chúng ta kêu gọi thu hút đầu tư, bù đắp những thiếu hụt của nguồn tài chính công, đáp ứng những yêu cầu đầu tư trong ngành cấp thoát nước, xử lý nước thải. Trong thời gian tới, việc khuyến khích sự tham gia của khối tư nhân trong và ngoài nước là hướng đi tất yếu. Tuy nhiên, Chính phủ cần sớm có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia. Trong đó, sớm có quy định về đơn giá dịch vụ xử lý nước, phân định rõ phương thức thu phí hoàn vốn… đủ để hấp dẫn các dự án xử lý nước.

Tin cùng chuyên mục