Lỗ hổng trong quản lý kinh doanh karaoke

Chiều 24-3, tại cuộc họp với báo chí, ông Nguyễn Đức Đảm, Giám đốc Sở VH-TT-DL Tiền Giang đã nhận trách nhiệm, xin lỗi gia đình cố nhạc sĩ Thuận Yến về những sai sót trong việc ra quyết định cấm lưu hành bài hát Màu hoa đỏ của cố nhạc sĩ Thuận Yến trên địa bàn tỉnh này. Từ mấy ngày qua, câu chuyện cấm lưu hành bài hát Màu hoa đỏ tại Tiền Giang đã gây sốt trên cộng đồng mạng, khiến dư luận bức xúc và có những thông tin trái chiều thậm chí suy luận sai lệch.

Trước đó, ngày 7-2, Sở VH-TT-DL tỉnh Tiền Giang ban hành công văn với nội dung đề nghị Phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thị thông báo cho các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn quản lý phải gỡ bỏ những bài hát chưa được cấp phép lưu hành và phổ biến theo quy định. Thời hạn để các cơ quan thực hiện là 30 ngày. Đặc biệt, trong số 354 bài hát bị cấm lưu hành có ca khúc Màu hoa đỏ của nhạc sĩ Thuận Yến và câu chuyện ngay lập tức đã khiến dư luận dậy sóng. Ca khúc Màu hoa đỏ được cố nhạc sĩ Thuận Yến sáng tác năm 1991, được phổ nhạc từ bài thơ Thời hoa đỏ của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu. Bài hát là những kỷ niệm về một thời đã sống, đã từng trải qua bom đạn của nhạc sĩ và những đồng đội đã hy sinh của ông. Nhiều người trong số họ đã anh dũng hy sinh trên chiến trường, được chính tay nhạc sĩ chôn cất mà có người đến giờ vẫn chưa tìm được hài cốt. Năm 1994, Màu hoa đỏ đoạt giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và nhận giải thưởng “Ca khúc xuất sắc” của Bộ Quốc phòng. Bài hát này đã từng được thể hiện thành công và giúp nhiều ca sĩ khẳng định tên tuổi như Cẩm Vân, Trọng Tấn, Tùng Dương...

Theo giải thích của ông Nguyễn Đức Đảm, từ tháng 1, sở này đã kiểm tra một số quán karaoke trên địa bàn tỉnh và phát hiện các điểm đều có vi phạm trong việc lưu hành, phổ biến các bài hát chưa được phê duyệt nội dung. Ở một số điểm kinh doanh karaoke, bài hát Màu hoa đỏ của cố nhạc sĩ Thuận Yến nằm trong số các ca khúc bị một số người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ khi không đóng tác quyền, không xin giấy phép biểu diễn và những hình ảnh minh họa trong video không phù hợp. “Nội dung công văn từ bộ phận tham mưu của sở đã không nói rõ vi phạm trong ca khúc Màu hoa đỏ trên bản karaoke là vi phạm về hình ảnh minh họa trong video nên đã gây hiểu nhầm, khiến gia đình cố nhạc sĩ cũng như dư luận bức xúc. Tôi xin nhận trách nhiệm về vụ việc này đồng thời gửi lời xin lỗi đến gia đình cố nhạc sĩ Thuận Yến. Chúng tôi đã nhận được yêu cầu giải trình từ Bộ VH-TT-DL cùng UBND tỉnh Tiền Giang. Chúng tôi sẽ sớm có giải trình”, ông Đảm nói.

Cách đây chưa lâu, ngày 1-3, Thanh tra Bộ VH-TT-DL đã có văn bản gửi Thanh tra sở VH-TT-DL các tỉnh, thành phố đề nghị chấn chỉnh, kiểm tra hoạt động của hệ thống kinh doanh karaoke, các tụ điểm ca nhạc trên cả nước. Theo Thanh tra Bộ VH-TT-DL, trên thực tế tại nhiều tụ điểm ca nhạc, karaoke, vũ trường, quán bar… xuất hiện tình trạng sử dụng các tác phẩm âm nhạc sáng tác trước năm 1975 chưa được phép phổ biến lưu hành. Không chỉ vậy, còn có tình trạng nhiều tác phẩm âm nhạc, bản ghi âm, ghi hình được sao chép, sử dụng phổ biến mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả và quyền liên quan (người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình)… Câu chuyện xảy ra với Màu hoa đỏ ở Tiền Giang có lẽ cũng không nằm ngoài yêu cầu này, song cách làm của ngành văn hóa tỉnh này còn cứng nhắc và có phần vội vàng. Nhưng cũng phải công tâm mà nói, thái độ cầu thị trong tiếp thu các ý kiến đóng góp, động thái xử lý câu chuyện, việc nhận trách nhiệm thiếu sót của lãnh đạo và ngành văn hóa tỉnh Tiền Giang là thái độ tích cực, đáng ghi nhận.

Vấn đề ở đây, thông qua câu chuyện, một lần nữa chúng ta lại thấy xuất hiện lỗ hổng trong vấn đề quản lý hoạt động kinh doanh karaoke. Không ai khác trong câu chuyện này, Bộ VH-TT-DL là cơ quan chủ trì xem xét thấu đáo các quy định pháp luật cũng như những bất cập còn tồn tại trong quản lý hoạt động kinh doanh karaoke hiện nay. Cần thiết phải đề xuất các phương án phối hợp cùng các ngành chức năng liên để quản lý toàn diện hoạt động này.

Lâu nay, trong hoạt động kinh doanh karaoke, cơ quan quản lý nhà nước hầu như chỉ quan tâm đến giấy phép, nội dung ca khúc, điều kiện kỹ thuật như diện tích phòng karaoke, điều kiện cách âm, công tác phòng chống cháy nổ..., mà hoàn toàn bỏ trống việc quản lý hình ảnh dựa trên nền nhạc các ca khúc karaoke. Với một ca khúc, những hình ảnh minh họa đi kèm trên karaoke như thế nào là phù hợp với lịch sử, với phong tục, lối sống, với văn hóa, đồng thời làm tôn vinh giá trị của ca khúc? Vấn đề lâu nay đang bị các cơ quan chức năng bỏ ngỏ. Chính điều đó là nguyên nhân khởi nguồn dẫn đến sự việc đáng tiếc liên quan đến ca khúc Màu hoa đỏ như đã nói ở trên.

MINH AN

Tin cùng chuyên mục