Lỗ hổng văn hóa doanh nhân

Dẫu là một đất nước trọng nông, song ông cha ta có câu “phi thương bất phú”, đủ thấy nghề buôn và giới thương gia có chỗ đứng quan trọng trong xã hội. Những người làm nghề buôn bán, hay theo cách gọi hiện đại là giới doanh nhân, có cách ứng xử tinh tế trong giới, trong cộng đồng, như “buôn có bạn, bán có phường”, buôn bán lấy chữ tín làm đầu…

Trong thời đại hội nhập ngày nay, ở lĩnh vực kinh tế, hàng hóa xuất nhập khẩu được tự do thông thương giữa các quốc gia nên mỗi mặt hàng, mỗi thương gia được ví là những đại sứ giới thiệu hình ảnh đất nước ra thế giới. Vấn đề văn hóa cũng như cách ứng xử lịch lãm, tinh tế của các doanh nhân cần thiết hơn bao giờ hết.

Thế nên, “sự kiện” lãnh đạo Hiệp hội Chế biến thủy sản xuất khẩu Việt Nam “thượng cẳng  chân hạ cẳng tay” thay cho thương thảo, đàm phán khiến giới thương nhân ngỡ ngàng, xã hội băn khoăn, lo lắng. Lo bởi cách ứng xử đó có nguy cơ không chỉ làm xấu hình ảnh thương gia Việt Nam mà còn ảnh hưởng rất lớn đối với xã hội.

Kinh doanh dịch vụ hiện đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng để phát triển đất nước, mỗi doanh nhân được xem như chiến sĩ trên mặt trận kinh doanh.

Để sản phẩm hàng hóa đến người tiêu dùng trong và ngoài nước, ngoài yếu tố sản phẩm có chất lượng cao, giá cả phải chăng thì yếu tố văn hóa trong sản phẩm, đạo đức kinh doanh của chủ doanh nghiệp - người làm ra sản phẩm, thương gia - người bán hàng đóng vai trò quan trọng. Người tiêu dùng, hay đối tác thương mại sẽ từ chối, quay lưng với sản phẩm nếu đó là sản phẩm không thân thiện, thiếu yếu tố văn hóa.

Bên cạnh đó, tiếng tăm, đạo đức của doanh nhân cũng góp phần quan trọng cho việc kinh doanh. Vì vậy, mỗi doanh nhân trước khi bước vào thương trường phải tự hoàn thiện mình, phải học cách ứng xử hợp thời, văn minh. Việc thương gia đánh nhau thay cho thương lượng, đàm phán phải xem là điều cấm kỵ.

Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam là một hội nghề nghiệp có uy tín trên thương trường, có vai trò sâu rộng đối với hàng ngàn gia đình sống bằng nghề nuôi trồng, chế biến thủy sản. Để làm tròn trách nhiệm đưa con tôm, con cá nước ta ra nước ngoài, làm đại sứ giới thiệu ngành nông nghiệp Việt Nam thì những lãnh đạo hội phải là người tài đức đáng trọng vọng.

Có thể nói, trong những năm qua, hiệp hội đã đưa hàng thủy sản nước ta chiếm lĩnh nhiều thị trường trên thế giới, đến với những người tiêu dùng vốn rất khó tính ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho hàng ngàn người dân sống bằng nghề nuôi trồng, chế biến thủy sản.

Hành vi thiếu kiềm chế không đáng có của lãnh đạo hiệp hội không những làm xấu hình ảnh doanh nhân, hình ảnh hiệp hội và cũng có thể nói điều này cho thấy lỗ hổng văn hóa trong giới doanh nhân hiện nay.

Mong sao các doanh nhân học cách ứng xử, văn hóa doanh nhân trước khi bước vào thương trường.

TRẦN YÊN

Tin cùng chuyên mục