Mục đích lớn nhất của chủ trương xã hội hóa không nhất thiết là chia sẻ gánh nặng tài chính với ngân sách Nhà nước, mà để thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực được xã hội hóa.
Thể thao là lĩnh vực được ưu tiên xã hội hóa từ rất sớm tại Việt Nam. Ngân sách Nhà nước từ lâu đã “lui về” tập trung cho việc đầu tư cơ sở vật chất, phần đào tạo, huấn luyện, thi đấu chuyển giao dần cho các liên đoàn, hiệp hội nhằm thu hút các nguồn lực xã hội để phù hợp với xu thế chuyên nghiệp trên thế giới. Bởi thể thao hiện đang là ngành công nghiệp thực thụ, với doanh thu khổng lồ.
Thế nhưng, có vẻ như ở Việt Nam, quá trình xã hội hóa chỉ mới dừng lại ở việc gánh vác thay cho ngân sách Nhà nước trong hoạt động phong trào, mang tính bề rộng hơn là chiều sâu. Lấy ví dụ cụ thể từ môn bóng đá vốn đã được “mở cửa” từ năm 2000 đến nay, nhưng thực tế thì thành tích cấp đội tuyển cũng không hơn nhiều so với thời còn bao cấp. Số lượng các CLB thi đấu ở giải V-League không nhiều hơn thời còn giải đội mạnh quốc gia. Tổng số đội bóng từ bán chuyên nghiệp trở lên, chỉ bằng phân nửa so với thời mà tỉnh, thành, ngành nào cũng có đội bóng được nuôi bằng tiền ngân sách hay quỹ công đoàn. Lượng đã giảm, chất cũng không tăng nhiều dù về mặt tài chính, tổng nguồn chi cho nền bóng đá đã gấp 100 lần so với 20 năm trước khi tính luôn cả trượt giá. Cụ thể hơn thì cầu thủ hiện nay chỉ tốt hơn thời trước ở khâu di chuyển, dinh dưỡng chứ về thể chất, thu nhập lẫn trình độ thì không hơn.
Ở góc độ khác: Quá trình thi đấu trên bình diện quốc tế, ngoài một số trường hợp cá biệt như kỳ thủ Lê Quang Liêm, VĐV cầu lông Nguyễn Tiến Minh… tạo được dấu ấn cá nhân bằng nguồn thu nhập của VĐV chuyên nghiệp, đa số những thành tích đẳng cấp châu lục, thế giới khác của thể thao Việt Nam đều được “nuôi” bằng tiền ngân sách cho quá trình huấn luyện suốt năm. Lấy ví dụ như nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh, hiện vẫn đang sống với thu nhập bằng lương đại tá quân đội.
Vì sao hơn 20 năm xã hội hóa mà thể thao Việt Nam vẫn không thể chuyển mình mạnh mẽ? Câu trả lời nằm ở lỗ hổng trong việc định hướng của các cơ quan quản lý trong việc thu hút các nguồn lực đầu tư. Chúng ta chỉ chăm chăm vào việc dùng các nguồn lực ấy để chia sẻ tài chính thay vì tạo cơ chế để đầu tư cho sự phát triển. Những dòng tiền đổ vào cho công tác đào tạo - yếu tố quan trọng nhất để nâng cao trình độ VĐV - lại quá ít so với các hoạt động thi đấu, tổ chức giải. Tư nhân hầu như không tham gia vào việc đầu tư cơ sở vật chất, chủ yếu chi tiền cho việc tài trợ, quảng bá, chuyển nhượng để lấy thành tích nhanh. Vẫn lấy ví dụ từ bóng đá: trong số 13 cầu thủ U.23 thường xuyên đá chính tại giải châu Á vừa qua, chỉ có 4 cầu thủ đến từ các học viện bóng đá tư nhân, phần còn lại vẫn được tính là do địa phương tự đào tạo. Trong số 14 đội bóng đá V-League hiện nay, chỉ có 5 đội là tổ chức các tuyển U đúng qui định hoặc có tham gia thường xuyên những giải đấu trẻ. Như vậy, đành rằng các địa phương không còn phải lo chuyện thu nhập, nghề nghiệp cho VĐV như trước, nhưng nếu chỉ xã hội hóa theo kiểu “xây nhà từ nóc” như vậy thì không thể phát triển được mảng phong trào cũng như thành tích đỉnh cao. Thực tế thì sau gần 20 năm phát triển bóng đá chuyên nghiệp, nhiều địa phương vốn có truyền thống như Bình Định, Thừa Thiên - Huế, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp… thậm chí cả TPHCM đều sa sút, thất bại trong việc xã hội hóa bóng đá.
Những chuyện lùm xùm quanh đại hội VFF hay vấn đề trọng tài tại V-League hiện nay cũng có nguyên nhân từ “lỗ hổng xã hội hóa” này. Đấy là hệ quả của quá trình phát triển manh mún, tầm nhìn ngắn hạn, thiếu những nhà đầu tư có tiềm lực và tâm huyết cho bóng đá Việt Nam. Để rồi khi một ai đó có hành động quyết liệt, mong muốn cống hiến thì lại bị phần còn lại tìm cách gây khó dễ, viện dẫn nhiều lý do để cản trở.
Phát triển thể thao là để dân cường, nước thịnh, nhưng lĩnh vực thể thao lại không phải là ưu tiên sử dụng ngân sách Nhà nước. Chính vì thế, nếu chỉ làm xã hội hóa nhằm chia sẻ tài chính thì đó không phải là định hướng đúng đắn. Cũng như việc gọi vốn đầu tư cho việc xây dựng một khu liên hợp thể thao nếu chỉ để có những cơ sở vật chất hoành tráng, tổ chức một vài sự kiện lớn thì không nên. Phải làm sao để các cơ sở đẳng cấp quốc tế ấy đào tạo ra được những VĐV có trình độ cao, thì đó mới chính là mục tiêu quan trọng nhất.