Gần đây, không chỉ làng cà phê Việt Nam râm ran chuyện bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, Cà phê Đắc Lắc, mà một lần nữa nhắc nhở doanh nghiệp trong nước phải chú trọng đến vấn đề bản quyền trong cuộc chơi toàn cầu. Những cái tên rất Việt Nam, không thể lẫn lộn với địa danh nào khác trên thế giới này, vẫn không thể là của riêng Việt Nam nếu như chúng ta không tuân thủ vào cuộc chơi chung.
Có lẽ, vì cà phê của Việt Nam quá nổi tiếng, đứng hàng nhất, nhì thế giới nên người ta mới bằng mọi cách có được nó để đạt được lợi ích kinh doanh và tất nhiên là đúng luật. Chúng ta chậm chân, tự trách mình, không còn cách nào khác phải đầu tư, nuôi hy vọng chờ ngày lấy lại tên.
Câu chuyện bản quyền ở phạm vi toàn cầu là vậy. Ở trong nước nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư công sức, kiện tụng đến cùng nếu quyền lợi bị xâm phạm. Đó là việc phải làm khi doanh nghiệp đã ý thức xây dựng, đăng ký bản quyền thương hiệu cho mình. Khi đã được tổ chức nhà nước, quốc tế công nhận thì việc tranh chấp sẽ rõ ràng hơn. Ở Việt Nam, đã xảy ra nhiều vụ đạo nhạc, đạo văn. Rồi mới đây, Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ (TPHCM) lên tiếng, gởi đến các cơ quan chức năng lời cầu cứu về việc Hanoitourist “đạo tour” hành trình Đông Bắc qua sông Gâm, sông Năng mà Công ty Thế Hệ Trẻ đang độc quyền đầu tư khai thác. Các bên liên quan vẫn giữ quan điểm của nhau, sự việc chẳng thể đi đến đâu khi lịch sử ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa có doanh nghiệp nào lên tiếng đăng ký bản quyền tour! Nhưng đây sẽ là một vấn đề quan trọng, ngành du lịch Việt Nam cần nghiên cứu đưa vào luật để hoạt động du lịch trong nước cạnh tranh lành mạnh hơn.
HÀ NHAI