Cách nay 2 tháng, ngày 21-8, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Quốc gia (TTDBKTTVQG) công bố bản tin cập nhật dự báo tình hình thời tiết cả nước, cho biết: “Năm nay, mùa mưa ở Nam bộ sẽ kết thúc sớm hơn mọi năm”. Đến ngày 1-10, TTDBKTTVQG cũng công bố bản tin, khẳng định như vậy một lần nữa. Thế nhưng thực tế từ tháng 8 đến nay, tại TPHCM và khu vực Nam bộ liên tục có mưa lớn. Cảnh mưa tầm tã, đường ngập nước, kẹt xe liên tục diễn ra. Chiều 23-10 tại TPHCM cũng lại có mưa lớn. Như vậy, không có chuyện ở Nam bộ năm nay mùa mưa kết thúc sớm hơn mọi năm như dự báo.
Lâu nay, ngành DBKTTV nước ta đã nhiều lần dự báo không chính xác về bão lũ, do đó người dân và chính quyền các địa phương đã phải bị động chống chọi với bất trắc của thiên tai. Đến nỗi trong nhân dân lưu truyền câu đùa: “Nắng mưa là chuyện của trời / Chúng tôi dự báo tạm thời thế thôi”. Thật ra, đây không phải là chuyện đùa. Khi hoạt động nông nghiệp, ngư nghiệp, buôn bán, xây dựng, thủy điện, giao thông đường thủy và đường không vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, việc dự báo không chính xác, trong đó có dự báo mưa dẫn đến nhiều thiệt hại. Một giảng viên Đại học Bách khoa TPHCM đang xây nhà tại phường 4 (quận 8, TPHCM) buồn bực nói với chúng tôi: “Đọc báo thấy TTDBKTTVQG cho hay mùa mưa năm nay sẽ kết thúc sớm, tôi khởi công xây nhà từ đầu tháng 10. Nhưng từ hôm đó đến nay cứ mưa nhiều, làm công trình liên tục bị gián đoạn, có khi mới đổ bê tông sàn thì mưa xối xả”. Chị bán bánh mì than: “Nghe mùa mưa năm nay sẽ kết thúc sớm, tôi tháo dỡ mái che xe bánh mì cho gọn nhẹ, nào ngờ đến hôm nay vẫn còn mưa nhiều, không sao đi bán được”. Những thiệt hại đó chưa là bao so với những thiệt hại nặng nề và gian nan trong sản xuất.
Cách nay vừa tròn 1 năm, trận lũ lịch sử tháng 10-2017 ở các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ đã khiến 72 người thiệt mạng, 30 người mất tích, nhưng đã không được dự báo để thông tin đến người dân kịp thời. Mới đây, bài học nhãn tiền của nước bạn Indonesia khiến chúng ta càng phải lo ngại về chuyện dự báo sai. Cơ quan Khí tượng, khí hậu và địa vật lý Indonesia đã có sai sót trong việc ghi nhận sóng thần, nên cảnh báo sóng thần đã bị gỡ bỏ 34 phút trước khi sóng thần ập vào thành phố Palu, trên đảo Sulawesi, khiến nhiều người mất cảnh giác, dẫn tới thiệt hại quá lớn về nhân mạng.
Tại nhiều nước, công tác DBKTTV được đặc biệt quan tâm để hoạt động hiệu quả và phát huy tác dụng tích cực. Những khi trời mưa lớn liên tục, dù là ban đêm, cơ quan phòng chống thiên tai đều gửi tin nhắn trực tiếp vào điện thoại di động của người dân với tiếng chuông khẩn cấp đặc biệt, cho biết đường nào bị lụt hay lũ để tránh đi đường đó hoặc không ra ngoài. Người dân có thể tìm kiếm trực tuyến địa điểm mình ở để có thông tin dự báo rất cụ thể. Tin tức được cập nhật liên tục từng giờ, từng phút. Nhờ vậy, dù mưa đá hay mưa lớn vẫn có đủ thời gian để người dân tìm nơi trú ẩn, lánh nạn. Tại TPHCM - nơi thường xảy ra ngập nước, kẹt xe khi trời mưa lớn - nếu việc dự báo và thông tin cảnh báo được thực hiện chu đáo như vậy sẽ mang lại lợi ích lớn cho người dân.
Qua đó cho thấy, đến lúc này không còn có thể bao biện cho việc chất lượng DBKTTV ở nước ta còn quá yếu kém. Vẫn biết không có dự báo nào là hoàn toàn đúng 100%, chỉ có dự báo gần đúng mà thôi, nhưng không thể chấp nhận tình trạng dự báo có sai số quá lớn hoặc thông tin chung chung nên có dự báo cũng như không. Ngay tại TPHCM, nơi có mạng lưới quan trắc khá dày mà còn dự báo sai đến vậy, thì ở vùng sâu, vùng xa thưa thớt các trạm quan trắc, sẽ càng không thể tin cậy vào năng lực dự báo mưa và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm. Câu hỏi cần đặt ra là chất lượng DBKTTV ở nước ta yếu kém do thiết bị lạc hậu hay trình độ con người?
Từ lâu, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã nhìn nhận năng lực dự báo mưa còn bị động, vậy mà từ đó đến nay vẫn chưa khắc phục được tình trạng yếu kém này. Hiện nay, mật độ các trạm đo thời tiết và quan trắc của Việt Nam quá thưa, khoảng 183 đài/trạm (1.400 đến 2.000km2/trạm), số trạm đo mưa tự động, trạm khí tượng, trạm thủy văn để quan trắc, xác định lượng mưa còn quá ít so với yêu cầu, cần phải đầu tư gấp 10 lần mới có thể cung cấp các số liệu chính xác để dự báo. Bên cạnh đó, vấn đề năng lực, trình độ của đội ngũ dự báo viên không đồng đều cũng là một hạn chế, nhất là khả năng chi tiết hóa các bản tin dự báo cho từng địa phương khác nhau để phục vụ công tác ứng phó thiên tai. Để khắc phục, cải thiện chất lượng hoạt động, ngành DBKTTV cần đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, nhanh chóng tiếp cận các công nghệ mới.
Luật Khí tượng thủy văn đã có quy định, nếu dự báo sai gây hậu quả nghiêm trọng thì cơ quan dự báo phải chịu trách nhiệm. Cần thực hiện nghiêm túc việc này để nâng cao ý thức trách nhiệm và năng lực DBKTTV.