

Không quân Nga và lục quân Trung Quốc phối hợp tập trận tại Chelyabinsk
Cuộc tập trận ở Chelyabinsk (Nga) hôm 17-8 chứng tỏ các nước Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) sẵn sàng cùng nhau hành động trước các mối đe dọa. Phương Tây bắt đầu lo ngại về sự xuất hiện của một khối quân sự mới, đối trọng với Khối quân sự Bắc Đại Tây dương (NATO). Washington hối tiếc đã không kịp thời nhận biết ảnh hưởng của tổ chức trẻ này đang nhanh chóng gia tăng ở châu Á.
- Tiềm lực ngày càng lớn
Trên nền những vấn đề nảy sinh trong khuôn khổ EU và NATO, Hội nghị thượng đỉnh lần 7 của SCO diễn ra tại Bishkek hôm 16-8 đã trở thành một sự kiện quốc tế quan trọng, có thể thay đổi tương quan lực lượng không chỉ ở châu Á mà cả trên thế giới. Các văn kiện chính trị thông qua tại hội nghị, kết hợp với triển vọng kinh tế của khu vực, chứng tỏ sự gia tăng ảnh hưởng của SCO.
Sức mạnh quân sự trong cơ cấu an ninh cũng được củng cố. Kết thúc hội nghị là cuộc tập trận lớn “Sứ mệnh hòa bình 2007” của các nước thành viên. Tham gia tập trận có hơn 6.000 quân (Nga 2.000, Trung Quốc 1.600, Kazakhstan và Tadzhikistan mỗi nước một đại đội, các nước khác cử đơn vị riêng). Việc tập trận sẽ luân phiên diễn ra tại các nước thành viên.
Mọi tổ chức chỉ có triển vọng phát triển nếu nó biết tự bảo vệ. Nhưng điều đó lại khiến phương Tây lo ngại rằng SCO đang trở thành khối quân sự đối lập với NATO, loại bỏ ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á. Quả vậy, SCO có tiềm lực lớn, chiếm 1/4 dân số toàn cầu, với diện tích ngót 30 triệu km2 (gồm hơn 60% châu Âu và châu Á). Hai nước Nga và Kazakhstan có nguồn năng lượng lớn, Trung Quốc là một cường quốc có tốc độ phát triển mạnh mẽ...
SCO coi cuộc chiến chống khủng bố không phải như xung đột bộ phận với các nhóm hoặc tổ chức khủng bố, mà nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia của mỗi nước thành viên bằng sức mạnh của cả tổ chức SCO.
- Phương Tây lo ngại
Quan điểm đó khiến phương Tây lo lắng và cảnh giác. SCO đang trở thành đối thủ cạnh tranh trên lục địa Âu – Á, vốn đầy triển vọng và từ thập niên 1990 đã được đưa vào phạm vi quyền lợi của Mỹ và châu Âu. Vậy mà trong thành phần SCO lại không có Mỹ, dù chỉ với tư cách quan sát viên, nghĩa là Mỹ khó lòng chia rẽ và gây ảnh hưởng. Ngoài ra, Washington rất lo rằng SCO trở thành nơi thương lượng với đồng minh trực tiếp của Mỹ là Pakistan và Ấn Độ. Pakistan không muốn Mỹ đưa quân vào nước mình dưới danh nghĩa chống khủng bố (thực chất là xâm chiếm) nên đang tìm đồng minh dễ chịu hơn. Ấn Độ hiện sẵn sàng hợp tác với SCO để tiếp cận trực tiếp nguồn năng lượng Trung Á.
Đối với Iran, SCO là khả năng được an toàn ở phía Đông, và thông qua tổ chức đó tạo điều kiện bình thường cho quan hệ với Afghanistan, nước cũng tham dự hội nghị thượng đỉnh. Đối với Mỹ, đây là một đòn chính trị chua cay bởi ban đầu Mỹ đã không nhận biết khả năng của tổ chức này.
LÊ THIẾU HUYỀN (theo Pravda.ru, AP)