(SGGP).- Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2015 và triển khai kế hoạch 2016, vừa được Chính phủ gửi đến đại biểu Quốc hội trước ngày khai mạc kỳ họp thứ 11 (ngày 21-3). Cập nhật những số liệu thực tế của năm 2015, báo cáo cho biết, trong tổng số 14 chỉ tiêu Quốc hội giao, có 12/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, có 2 chỉ tiêu không đạt là tỷ lệ che phủ rừng và tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đáng lưu ý, một trong những kết quả nổi bật là tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt mức cao nhất trong 8 năm qua, cho thấy nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi rõ nét; đạt tốc độ tăng trưởng cao so với kế hoạch đề ra và cao hơn so với dự báo trước đây; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng phải kể đến sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến - chế tạo, sản xuất và xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tiêu dùng trong nước, sức mua và tổng cầu đều được cải thiện nhờ lòng tin vào ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi tăng trưởng kinh tế và lạm phát thấp. Việc triển khai thực hiện các luật mới được Quốc hội thông qua liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, như Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi); các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh theo các nghị quyết số 19/2014 và 19/2015 của Chính phủ… cũng đã có tác động tích cực, rõ nét. Tiềm lực quốc phòng, an ninh ngày càng được nâng cao, an ninh chính trị được giữ vững, chủ động ngăn chặn mọi âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch…
Tuy nhiên, trong năm 2015 vẫn còn một số mặt tồn tại, hạn chế. Trong đó, nổi lên vấn đề cân đối ngân sách trung ương khó khăn do giá dầu thô xuống thấp. Cơ cấu chi ngân sách nhà nước chưa hợp lý. Chi đầu tư phát triển giảm mạnh từ 30,6% tổng chi ngân sách trong giai đoạn 2001-2005 xuống còn 28,2% trong giai đoạn 2006-2010 và còn khoảng 23,6% trong giai đoạn 2011-2015. Do tổng thu ngân sách nhà nước không đủ bảo đảm nguồn chi thường xuyên và trả nợ, nên nợ công tăng, áp lực trả nợ lớn. Hoạt động của doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn thấp...
ANH PHƯƠNG