Tình trạng xả thải ô nhiễm khu vực thượng nguồn sông Sài Gòn gây nguy hại cho chất lượng nước, nhất là đoạn sông lấy nước cấp phục vụ nguồn nước sinh hoạt khu vực hạ nguồn vốn đã tồn tại từ rất lâu. Không ít cuộc họp liên tỉnh, thành đã được tổ chức nhằm tìm ra giải pháp chung xử lý dứt điểm thực trạng này. Thế nhưng, một nghiên cứu gần đây dưới sự hỗ trợ của Chính phủ Đức cho thấy xả thải ô nhiễm nguồn nước khu vực thượng nguồn sông Sài Gòn vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Cunter Meon, Viện trưởng Thủy lợi và Tài nguyên Đức để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Chất lượng nguồn nước vượt tiêu chuẩn loại B
* Phóng viên: Được biết, ông vừa kết thúc dự án nghiên cứu về tình trạng xả thải ô nhiễm sông Sài Gòn khu vực thượng nguồn, vậy ông có thể nói rõ hiện trạng ô nhiễm trên?
* Giáo sư CUNTER MEON: Trong lần nghiên cứu này, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn khu vực tỉnh Tây Ninh và hiện trạng công nghệ xử lý nước thải của các nhà máy sản xuất. Phần lớn cho thấy, hầu hết các nhà máy, nhất là nhà máy sản xuất tinh bột đều không có công nghệ xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu. Ở những doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn, mức độ ô nhiễm lại càng nhiều hơn. Hệ quả là chất thải ô nhiễm đã làm chất lượng nguồn nước sông vượt tiêu chuẩn loại B. Điều này khó tránh việc ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước cấp phục vụ sinh hoạt khu vực hạ nguồn TPHCM.
* Vậy ông có biết được lý do tại sao các doanh nghiệp trên khu vực thượng nguồn không đầu tư hệ thống xử lý chất thải đúng như yêu cầu cần có?
* Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi cũng đã tiếp xúc với khá nhiều doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn. Một lý do khá chung giữa các doanh nghiệp đưa ra là do chi phí đầu tư hệ thống xử lý nước thải quá lớn. Chi phí vận hành khá cao. Thậm chí, với những doanh nghiệp được chúng tôi hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý chất thải công nghệ cao là công nghệ tháp xử lý kết hợp bãi lau sậy. Họ đồng ý lắp đặt công nghệ nhưng thỉnh thoảng vẫn từ chối vận hành với lý do tốn nhiều chi phí. Còn với những doanh nghiệp chưa được đầu tư thì cho rằng chi phí đầu tư cao quá khả năng cho phép của họ.
Tạo đồng thuận để cải thiện chất lượng nguồn nước
* Lý do này thật ra cũng được doanh nghiệp sử dụng khá nhiều khi lý giải hành vi sản xuất gây ô nhiễm môi trường của mình? Vậy theo ông, với tư cách là một chuyên gia môi trường, ông nghĩ sao về điều này?
* Theo tôi, lý do này xét ở một khía cạnh nào đó cũng khá hợp lý. Tôi đơn cử, để đầu tư hệ thống xử lý nước thải của ngành sản xuất tinh bột ở quy mô 100m3 nước thải/ngày, doanh nghiệp phải đầu tư ít nhất khoảng 500 triệu đồng. Mặt khác, cần phải có diện tích đủ rộng để có thể trồng được bãi cây lau sậy. Có như vậy mới đảm bảo nước thải đầu ra đạt tiêu chuẩn quy định. Thế nhưng, thực tế khảo sát của chúng tôi cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp khó có thể có đủ vốn đầu tư. Mặt khác, nếu có vốn đầu tư cũng khó để có diện tích đất đủ rộng để trồng bãi lau sậy… Do vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu hành vi vi phạm môi trường rất cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng và tổ chức khác.
* Chính phủ Đức đã có những hỗ trợ trong nghiên cứu tình trạng xả thải ô nhiễm khu vực thượng nguồn nước sông Sài Gòn. Trong thời gian tới, có những hỗ trợ nào nữa không?
* Hiện chúng tôi đã hỗ trợ một số doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ tháp hitech. Chúng tôi vẫn đang tích cực tìm kiếm nguồn tài trợ để có thể có nhiều hơn doanh nghiệp được hỗ trợ đầu tư công nghệ xử lý nước thải này trong thời gian tới.
Không chỉ vậy, hiện Chính phủ Đức đã hỗ trợ 3 triệu USD để viện phối hợp cùng Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TPHCM nghiên cứu thực trạng ô nhiễm sông Thị Vải. Hai ngành sản xuất đặc thù nhất được ưu tiên tập trung nghiên cứu trong dự án này là ngành thuộc da và dệt nhuộm. Đây là một trong những ngành mà cho đến nay vẫn chưa có một giải pháp công nghệ nào có thể xử lý triệt để chất thải ô nhiễm trong nước thải. Và mục tiêu chúng tôi đặt ra trong lần nghiên cứu này, sẽ đề xuất được công nghệ đủ khả năng để có thể xử lý được chất thải ô nhiễm của hai lĩnh vực sản xuất trên.
Đặc biệt hơn, chúng tôi đang cùng các đối tác Việt Nam nghiên cứu khả năng xử lý nước thải của hệ thống rừng Cần Giờ. Đây là một nghiên cứu khá mới. Đến nay, kết quả sơ bộ có thể khẳng định cây đước có khả năng hút các chất gây ô nhiễm trong nguồn nước và chuyển hóa chúng thông qua hoạt động trao đổi chất của cây. Chúng tôi cũng kỳ vọng nghiên cứu có thể mở ra giải pháp mới trong việc cải thiện tình trạng ô nhiễm nguồn nước hiện nay ở TPHCM. Đồng thời đưa ra bộ tiêu chuẩn cần thiết giúp định lượng mức độ ô nhiễm giới hạn cho phép của rừng. Từ đó, đảm bảo khả năng sinh trưởng của diện tích rừng ngập mặn Cần Giờ.
* Cảm ơn ông!
MINH XUÂN