Lỗ rò của hệ thống

Từ năm 2010 đến nay, 4 kỳ giải lớn của đội tuyển Đức dưới thời của Joachim Loew (ảnh), chỉ có tổng cộng 6 cái tên đá vai tiền đạo. Klose đá 3 kỳ, Gomez cũng 3 và đó là những người được xem là tiền đạo thực thụ duy nhất mà ông Loew sử dụng.

Từ năm 2010 đến nay, 4 kỳ giải lớn của đội tuyển Đức dưới thời của Joachim Loew (ảnh), chỉ có tổng cộng 6 cái tên đá vai tiền đạo. Klose đá 3 kỳ, Gomez cũng 3 và đó là những người được xem là tiền đạo thực thụ duy nhất mà ông Loew sử dụng.

Lỗ rò của hệ thống ảnh 1


Điều dễ nhận thấy sau trận thua Pháp đó là rất nhiều thành viên của Đức “ấm ức”. Họ không muốn tin mình thua chỉ vì thiếu một tay săn bàn, người có thể tối ưu hóa những lợi thế về mặt chiến thuật. Bản thân Loew cũng nói rằng “có nhiều điều không đúng ở trận đấu này đối với tuyển Đức”, nhưng chính ông cũng không nói đến yếu tố tiền đạo.

Nếu chúng ta căn cứ trên số  tiền đạo thực thụ mà Joachim Loew đã dùng, có thể nói là từ lâu, Đức đã xây dựng một hệ thống đá không cần ngôi sao trên hàng công. Họ tự tin với điều đó mà chiến thắng tại World Cup 2014 là  đỉnh cao  để Loew không quan tâm thêm việc tìm cho đội tuyển một chân sút đáng tin cậy. Thế nhưng, cho dù hệ thống ấy có hoàn hảo đến đâu thì vẫn luôn có một lỗ rò. Phải ở thế bị thua bàn trước, cần tìm bàn gỡ hòa, việc thiếu một cầu thủ có thể gây rối trong vùng cấm quả thật là thiếu sót nghiêm trọng khiến Đức thua trận mà vẫn không muốn tin vào thất bại đó.

***
Truyền thông thế giới cùng có chung một nhận định: Antoine Griezmann chính là sự khác biệt của trận đấu. Những bàn thắng của Griezmann chính là thứ mà người Đức thiếu. Với 14 cú sút cầu môn, chỉ có 4 trong số đó đi đúng hướng nhưng chẳng có tình huống nào Đức sút bóng ở trong vòng 16m50. Ngược lại, 2 bàn thua của  Đức đều diễn ra trong khu vực này và đều do một tiền đạo có vóc người bé nhỏ thực hiện.  Griezmann không to lớn để tranh chấp, không tốc độ để thực hiện các pha bứt tốc, cũng chẳng phải có kỹ thuật siêu hạng để vượt qua nhiều hậu vệ cùng lúc. Nhưng anh ta lại sở hữu một yếu tố quan trọng: “Ngửi” được cơ hội và biết cách đưa bóng vào lưới. Mới hơn 1 tháng trước, Griezmann đá hỏng quả phạt đền trong trận chung kết Champions League nhưng vẫn dũng cảm nhận trách nhiệm thực hiện trong tình huống cực kỳ then chốt ở trận bán kết. Tại vòng bảng, Griezmann chỉ có 1 bàn thắng, 5 bàn còn lại được ghi ở 3 trận vòng knock-out. Những chi tiết đó cho thấy  bản năng tìm bàn thắng của Griezmann tốt đến thế nào.

Đức đương nhiên không có một  cầu thủ như vậy, họ thua trận không hẳn vì thiếu tiền đạo mà vì không có một cầu thủ như Griezmann, điều duy nhất mà cái hệ thống chết chóc đầy khoa học của Joachim Loew không thể tạo ra. Người Italia đã không trừng phạt thiếu sót này của tuyển Đức, nhưng Pháp thì khác.

Ở một góc độ rộng hơn, trận chung kết Pháp – Bồ Đào Nha là sân khấu dành cho Ronaldo và Griezmann. Họ là những người giữ chiếc chìa khóa của 2 đội tuyển trên con đường đến sân Stade de France. Vai trò của họ suốt từ đầu giải không thể hiện một cách đậm nét và đều đặn nhưng ở các thời khắc quyết định, chính bàn thắng của họ lại đem đến sự khác biệt của trận đấu. Ở những trận đấu kiểu như thế, liệu có mấy ai quan tâm đến chuyện đã đá ra sao?

ĐĂNG LINH

Tin cùng chuyên mục