Lo tái diễn chạy đua tăng chỉ tiêu

Dù đã bỏ những rườm rà, bất hợp lý của quy định cũ (Thông tư 32 của Bộ GD-ĐT), nhưng một số điểm mới đã khiến nhiều trường băn khoăn, nhất là sẽ khó kiểm soát việc xác định chỉ tiêu.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM trong giờ học thực hành tại phòng thí nghiệm
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM trong giờ học thực hành tại phòng thí nghiệm
Dự thảo Quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng (CĐ) các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học (ĐH), thạc sĩ, tiến sĩ (gọi tắt là dự thảo) đang thu hút sự quan tâm của nhiều trường. Dù đã bỏ những rườm rà, bất hợp lý của quy định cũ (Thông tư 32 của Bộ GD-ĐT), nhưng một số điểm mới đã khiến nhiều trường băn khoăn, nhất là sẽ khó kiểm soát việc xác định chỉ tiêu.

Nhiều quy định mới  

So với Thông tư 32, dự thảo có một số điểm mới được đánh giá là có sự tiếp thu ý kiến từ các trường. Về tiêu chí xác định chỉ tiêu, nếu Thông tư 32 có 3 tiêu chí thì dự thảo chỉ còn quy định 2 tiêu chí: (1) Tỷ lệ sinh viên/giảng viên quy đổi tương ứng với 7 khối ngành. Ở tiêu chí này, khối ngành I (nhóm ngành đào tạo giáo viên) có số lượng sinh viên giảm từ 25 (theo Thông tư 32) xuống còn 20 sinh viên/giảng viên và hệ số giảng viên có trình độ ĐH chỉ còn 0,3 (Thông tư 32 là 0,5). Trong khi đó, tỷ lệ sinh viên CĐ, trung cấp sư phạm chính quy trên một giảng viên quy đổi không vượt quá 25. (2) Diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của trường tính trên một sinh viên chính quy không thấp hơn 2,8m2 (Thông tư 32 chỉ ở mức 2,5m2). 

Đáng chú ý, trong cách xác định chỉ tiêu của tiêu chí (1), dự thảo cho phép các trường được sử dụng giảng viên thỉnh giảng (có trình độ thạc sĩ trở lên) để tính chỉ tiêu. Đây là điều kiện “mở” mà Thông tư 32 cũng như các thông tư trước không có. Cụ thể, đối với các ngành đào tạo giáo viên sẽ không tính giảng viên thỉnh giảng để xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Những khối ngành khác được tính tối đa bằng 5% tổng số giảng viên cơ hữu quy đổi. Khối ngành nghệ thuật được tính tối đa bằng 30% tổng giảng viên cơ hữu quy đổi. Với giảng viên tham gia giảng dạy nhiều khối ngành thì chỉ tính vào một khối ngành để xác định chỉ tiêu tuyển sinh. 

Một điểm mới nữa là dự thảo đề cập đến những ngành, những trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng trong nước và quốc tế. Theo đó, đối với các ngành đào tạo đã được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định, theo quy định tại Điều 52 Luật Giáo dục ĐH thì được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo cam kết về chất lượng của chương trình đào tạo và nhu cầu xã hội đối với ngành đó. Các trường phải công bố công khai trong đề án tuyển sinh, chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội và cơ quan có thẩm quyền. Những ngành triển khai theo đề án thực hiện cơ chế đặc thù thí điểm đào tạo nhân lực ngành du lịch và công nghệ thông tin trình độ ĐH giai đoạn 2017-2020 và các ngành thực hiện cơ chế đặc thù khác (nếu có), thì xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định của cơ chế đặc thù trong thời gian quy định.

Trong khi đó, đối với trường chưa được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định thì không tăng chỉ tiêu tuyển sinh so với năm trước liền kề (trừ ngành đào tạo mới được mở ngành trong năm tuyển sinh).

Còn nhiều băn khoăn

Đánh giá về những nội dung của dự thảo, nhiều trường đều đồng tình việc bỏ tiêu chí xác định chỉ tiêu dựa trên quy mô sinh viên chính quy tối đa ở các trường là điều đáng ghi nhận của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, một số điểm mới còn khiến nhiều trường băn khoăn, lo ngại. 

Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, cho biết: “Tôi băn khoăn ở 2 điểm mà dự thảo chưa làm rõ. Thứ nhất là nội dung giảng viên thỉnh giảng (từ trình độ thạc sĩ trở lên) được cho xác định chỉ tiêu, nhưng chưa làm rõ là người đó được đứng ở một trường hay nhiều trường. Ví dụ, nhiều trường cùng liên kết với một đơn vị và có mời giảng viên thỉnh giảng cho một ngành. Vậy người được mời thỉnh giảng đứng cùng một lúc ở nhiều trường thì sao? Nếu tính không khéo sẽ tái diễn tình trạng một giảng viên đứng ở nhiều trường để được xác định chỉ tiêu. Thứ hai là ở các trường, các ngành được kiểm định chất lượng, nếu là chuẩn kiểm định quốc tế và khu vực thì khá tin tưởng vì sau thời gian 5 năm, những tổ chức đó sẽ thẩm định lại; đối với chuẩn kiểm định trong nước thì còn nhiều vấn đề “lăn tăn”. Ví dụ, nhiều trường được công nhận chuẩn kiểm định của Bộ GD-ĐT, nhưng tiêu chuẩn giảng viên lại có vấn đề. Có nơi đội ngũ giảng viên có trình độ cử nhân chiếm từ 30% - 62%”.   

Theo Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, trong bối cảnh tự chủ và đào tạo theo hệ thống tín chỉ, việc giảng viên thỉnh giảng, đặc biệt là giảng viên thỉnh giảng thường xuyên, được xem như lực lượng cơ hữu là cần thiết và hợp lý. Do đó, việc khuyến khích mời giảng viên thỉnh giảng là cán bộ có chuyên môn sâu của trường đã nghỉ hưu, hay cán bộ trình độ cao từ các viện nghiên cứu có ý nghĩa về nâng cao chuyên môn, trao đổi học thuật. Ngay cả những ĐH uy tín và hàng đầu của thế giới cũng mời các giáo sư, chuyên gia tham gia giảng dạy. 

Còn theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, tại các trường ĐH sư phạm kỹ thuật, hiện có nhiều giảng viên vừa dạy cho nhóm ngành sư phạm vừa dạy cho nhóm ngành kỹ thuật, nên việc áp dụng hệ số 20 hay 25 đều không hợp lý. Năm ngoái, sau khi tranh luận với Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD-ĐT) và được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cuối cùng trường được lấy tỷ lệ sinh viên/giảng viên là 23 để dung hòa. Do vậy, dự thảo lần này cần nêu rõ tỷ lệ để các trường dễ dàng xác định chỉ tiêu.

Tin cùng chuyên mục