Bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á lần thứ 10 (Đối thoại Shangri-la 10)

Loại trừ căng thẳng và tránh chạy đua vũ trang

Đề nghị Trung Quốc tôn trọng chủ quyền các nước
Loại trừ căng thẳng và tránh chạy đua vũ trang

Ngày 5-6, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á lần thứ 10 đã kết thúc tốt đẹp. Trong 2 ngày diễn ra hội nghị, vấn đề tranh chấp chủ quyền biển Đông, đã trở thành tâm điểm chú ý của Diễn đàn Hội nghị An ninh và đã được các bên cam kết giải quyết theo nhiều hướng tích cực và hòa bình.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh phát biểu tại hội nghị ngày 5-6.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh phát biểu tại hội nghị ngày 5-6.

Đề nghị Trung Quốc tôn trọng chủ quyền các nước

Trong bối cảnh căng thẳng xuất hiện trở lại với các bên tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt nói: “Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông. Tình hình trên biển Đông vẫn ổn định. Sự tự do đi lại trong khu vực này chưa bao giờ bị cản trở”.

Tại phiên họp toàn thể thứ 5 ngày 5-6, ông Lương Quang Liệt cũng đã tái khẳng định rằng sức mạnh quân sự và kinh tế ngày càng lớn mạnh của nước này không phải là một mối đe dọa. Tiềm lực quốc phòng của Trung Quốc dù đang phát triển song vẫn thua Mỹ khoảng 20 năm.

Trong phiên họp toàn thể thứ 5, Philippines và Việt Nam đã lên tiếng chỉ trích các hoạt động quân sự gần đây của Trung Quốc trên biển Đông, đồng thời bày tỏ lo ngại các vụ đối đầu nhỏ lẻ tại khu vực này có thể dẫn tới xung đột vũ trang. Với sự hiện diện của người đồng cấp Trung Quốc Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin nhấn mạnh “các hành động vô cớ của những nước khác... khiến những nước như Philippines quan tâm và lo ngại”. Ông nói: Cảm giác bất an còn là khi những ngư dân bình thường bị tàu nước ngoài cảnh cáo, buộc phải rời khỏi khu vực thuộc chủ quyền của mình.

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh cũng tuyên bố: Việt Nam mong Trung Quốc tôn trọng các chính sách đã tuyên bố, đồng thời bày tỏ hy vọng các tuyên bố này sẽ được chuyển thành hành động thực tế. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh khẳng định, Việt Nam đã kiên nhẫn xử lý tình huống này bằng giải pháp hòa bình, theo đúng luật pháp quốc tế và nguyên tắc kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia trong khi vẫn giữ gìn hòa bình và ổn định ở biển Đông cũng như duy trì quan hệ thân thiện với các nước láng giềng. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng đề nghị các bên tuân thủ triệt để Công ước về Luật biển 1982 của LHQ. Trong các tranh chấp trên biển Đông các bên liên quan tuân thủ các cam kết đã đề ra, và sớm đưa ra bản quy tắc nhằm duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông.

Nói về phương thức giải quyết các tranh chấp, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh sự cần thiết có các cơ chế linh hoạt: “Chúng ta cần đẩy mạnh hợp tác thông qua các kênh cả song phương và đa phương, nhằm đảm bảo sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau”.

Malaysia đề nghị xây dựng lòng tin

Theo trang web của hội nghị (IISS), trong phiên họp toàn thể thứ 6 trưa ngày 5-6, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi đề cao tầm quan trọng của biển Đông, xét về khai thác tài nguyên và hàng hải, đồng thời yêu cầu giải quyết các tranh chấp bằng giải pháp hòa bình.

Bộ trưởng Ahmad bình luận rằng trong những năm qua, Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở biển Đông (DOC) đã đóng góp phần quan trọng làm giảm căng thẳng, giúp duy trì ổn định trên biển Đông. Tuy nhiên, theo ông đây chỉ là một “công cụ mang tính tạm thời” trong khi các bên liên quan hướng tới việc đề ra một “giải pháp hòa bình và lâu dài” cho vấn đề tranh chấp. Để giải quyết tranh chấp biển Đông, Malaysia đề nghị các bên xác định rõ và thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin một cách thiết thực nhằm loại trừ căng thẳng và tránh chạy đua vũ trang trong khu vực.

Ông Ahmad nói: “Xây dựng lòng tin là bước đi quan trọng đầu tiên trên con đường ngàn dặm nhằm bảo đảm an ninh biển cho khu vực này. Phát triển kinh tế xã hội cần được chú trọng hơn là phát triển vũ trang, đặc biệt là trong một khu vực như của chúng ta”.

Hạnh Chi


Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh: Trung Quốc cần đàm phán, giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế

An ninh biển là vấn đề được đặc biệt quan tâm tại Đối thoại Shangri-La 10. Ngày 5-6, sau bài phát biểu ấn tượng với chủ đề “Ứng phó với các thách thức an ninh biển mới” tại phiên họp toàn thể của cuộc đối thoại, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, đã giải đáp rõ ràng, hợp lý các câu hỏi liên quan tới những diễn biến gần đây ở Biển Đông và chính sách quốc phòng của Việt Nam.

Khi TS Ian Storey (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á) đề nghị nói rõ thêm về “sự cố ngày 26-5” vừa qua, Đại tướng Phùng Quang Thanh nêu rõ, hiện ở Biển Đông đang có tranh chấp chủ quyền giữa các nước, gồm: Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei. Vùng biển này chưa phân định được nên thỉnh thoảng trên biển Đông vẫn xảy ra những vụ việc đáng tiếc. Không chỉ có vụ việc ngày 26-5 vừa qua mà vào năm 2010, khi Việt Nam khảo sát để lập hồ sơ báo cáo với LHQ về đường ranh giới ngoài của thềm lục địa, tàu của Việt Nam cũng bị tàu của Trung Quốc cắt cáp thăm dò. Ngoài ra còn có các vụ Trung Quốc bắt tàu cá, ngăn cản Việt Nam thăm dò dầu khí ở biển Đông trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. “Những vụ việc như vậy vi phạm luật pháp quốc tế và DOC, gây lo ngại cho Việt Nam và các nước trong khu vực” - Đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của GS Zha Daojiong (Trường Đại học Bắc Kinh) về việc hoạch định vùng đánh cá cho ngư dân, Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định, Việt Nam luôn tuân theo Công ước của LHQ về Luật biển (UNCLOS) 1982 và hướng dẫn khu vực đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cho ngư dân. Tuy nhiên, đôi khi ngư dân Việt Nam cũng vi phạm vùng biển của các nước xung quanh và ngư dân các nước vi phạm vùng biển của Việt Nam. “Đối với những vụ việc này, chúng tôi cho rằng cần xử lý theo luật pháp quốc tế, theo tinh thần láng giềng hữu nghị và nhân đạo chứ không được xâm phạm thân thể và tài sản của ngư dân. Chúng tôi cũng thấy cần phải có hợp tác chặt chẽ về nghề cá giữa các nước, có tuần tra chung của Hải quân, thiết lập đường dây nóng để duy trì an ninh trật tự trên biển, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân làm ăn” - Đại tướng Phùng Quang Thanh nói.

Hàng năm vào mùa cá sinh sản, Trung Quốc thường ban hành lệnh cấm đánh bắt để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đại tướng Phùng Quang Thanh cho rằng, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm đánh bắt cá vào cả vùng biển của Việt Nam. “Đây là việc làm chúng tôi không đồng tình và đã phản đối qua đường ngoại giao” - Đại tướng Phùng Quang Thanh nêu rõ.

Liên quan đến câu hỏi của TS Lui Fu-Kuo, Chủ tịch Cơ quan Nghiên cứu Mỹ và châu Âu thuộc Viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Quốc gia ChengChi (Trung Quốc) về việc làm thế nào Việt Nam có thể ngăn chặn các cuộc xung đột có thể xảy ra giữa Việt Nam và Trung Quốc hoặc với một số nước khác, Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định, Việt Nam chủ trương những tranh chấp song phương ở biển Đông thì giải quyết song phương, những tranh chấp đa phương thì đàm phán đa phương. Ví dụ như tranh chấp ở Trường Sa là tranh chấp đa phương. Đường 9 khúc mà Trung Quốc tuyên bố cũng là tranh chấp đa phương. “Đường 9 khúc này không có cơ sở pháp lý, không đúng với UNCLOS 1982. Trung Quốc cần đàm phán giải quyết với các nước trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, trên tinh thần hữu nghị đưa ra giải pháp công bằng hợp lý mà các bên có thể chấp nhận, để đạt được mục đích hòa bình và phát triển trong khu vực” - Đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng cho rằng, trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN, Indonesia đã phối hợp rất chặt chẽ với các nước ASEAN nhằm duy trì hòa bình và ổn định tại biển Đông. “Tại Hội nghị ADMM-5 diễn ra tháng trước tại Jarkata, các Bộ trưởng đã đạt được sự đồng thuận về đánh giá tình hình, đưa ra giải pháp để duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông. Nhất là trong tuyên bố chung của hội nghị, các bên cam kết thực hiện đầy đủ DOC, tiến tới ASEAN cùng Trung Quốc xây dựng COC” - Đại tướng Phùng Quang Thanh nói.

Đối với câu hỏi của ông Christian Le Mière, nhà nghiên cứu lực lượng Hải quân và an ninh hàng hải, Trang web của hội nghị IISS, liên quan đến tranh chấp giữa Việt Nam và Philippines xung quanh quần đảo Trường Sa, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho rằng Việt Nam chủ trương tổ chức giao lưu văn hóa, thể thao cho lực lượng vũ trang của Việt Nam và Philippines đang đóng ở Song Tử Tây của Việt Nam và Song Tử Đông do Philippines đang quản lý, để xây dựng lòng tin, tăng cường hữu nghị và giảm căng thẳng, không xảy ra xung đột.

Về câu hỏi tại sao Đài Loan (Trung Quốc) tới nay không có cơ hội tham gia giải quyết tranh chấp ở biển Đông của ông Kelvin Wong, Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam, thành viên IISS, Đại tướng Phùng Quang Thanh nói rằng, đây là vấn đề nằm trong chính sách “một Trung Quốc”. Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Đài Loan và Trung Quốc cần bàn bạc nội bộ để có một đại diện chung.

Liên quan tới việc Việt Nam mua tàu ngầm do TS Ian Storey đưa ra, Đại tướng Phùng Quang Thanh nêu rõ, Việt Nam đã ký hợp đồng mua của LB Nga 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo 686. Các tàu ngầm này sẽ chỉ hoạt động trong vùng biển của Việt Nam. “Việc làm bình thường này của chúng tôi rất công khai và minh bạch như tôi đã có dịp trả lời phỏng vấn báo chí trong nước” - Đại tướng Phùng Quang Thanh nói.

Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết thêm, Việt Nam đang thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong tình hình hiện nay, phát triển kinh tế được xác định là nhiệm vụ trung tâm và bảo đảm quốc phòng – an ninh để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên. Khi kinh tế phát triển, Việt Nam từng bước hiện đại hóa quân đội, trong đó ưu tiên hiện đại hóa Hải quân, Phòng không – Không quân, Thông tin liên lạc... để bảo vệ hòa bình, bảo vệ đất nước. “Chính sách quốc phòng của Việt Nam là tự vệ, chứ không nhằm vào nước khác và không bao giờ đi xâm lấn bờ cõi của nước khác. Chúng tôi xây dựng quân đội mạnh nhằm bảo vệ hòa bình, để ai có ý đồ xâm chiếm Việt Nam cũng phải tính đến nhân tố này” - Đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh.

Về câu hỏi liên quan tới bài phát biểu của Thượng tướng Lương Quang Liệt tại Đối thoại Shangri-la, Đại tướng Phùng Quang Thanh hoan nghênh và đánh giá cao bài phát biểu này và cho rằng nó thể hiện rõ đường lối đối ngoại hòa bình và trách nhiệm của Trung Quốc trong quá trình phát triển hòa bình. Việt Nam luôn coi việc Trung Quốc, một nước xã hội chủ nghĩa, phát triển hòa bình, có quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác với các nước láng giềng, các nước trong khu vực và trên thế giới, trong đó có Việt Nam, là điều kiện thuận lợi cho Việt Nam, cho khu vực và thế giới. “Chúng tôi luôn mong muốn Trung Quốc thực hiện đúng như những tuyên bố của Trung Quốc với thế giới” - Đại tướng Phùng Quang Thanh nói.

Xuân Hạnh (Theo TTXVN và IISS)

Thông tin liên quan:
>> Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh: Chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ

Tin cùng chuyên mục