Với định hướng đó, trong thời gian qua, việc cải cách thủ tục hành chính được đặc biệt quan tâm và thực tế đã có những chuyển động quyết liệt và mạnh mẽ. Đáng chú ý nhất là việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP đồng ý bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân (CMND) trong quản lý dân cư, để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân. Có thể nói, đó là chủ trương rất quan trọng, có ý nghĩa quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, đổi mới quản lý dân cư theo phương pháp khoa học, hiện đại; quyết tâm thoát ra khỏi cách quản lý đã lạc hậu gây nhiều phiền hà, bất bình đẳng cho người dân và khiến cho bộ máy quản lý cồng kềnh.
Vậy mà đến nay, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn còn sức ì, chưa thấm nhuần tinh thần cải cách thủ tục hành chính theo phương pháp khoa học, hiện đại. Đường dây nóng Báo SGGP thường xuyên nhận được những phản ánh của người dân về việc còn nhiều nơi tùy tiện đặt ra những quy định, thủ tục phiền hà không cần thiết. Thật tréo ngoe khi chưa có hộ khẩu thì không được cấp chủ quyền nhà, mà chưa có chủ quyền nhà thì không được cấp hộ khẩu. Để có được hộ khẩu, nhiều người đã phải lách luật bằng mọi cách, như nhờ người quen có hộ khẩu đứng tên hợp thức hóa giấy tờ nhà, rồi “tặng nhà” lại; “chạy chọt” để có hợp đồng lao động; thậm chí kết hôn với ai đó chỉ để được nhập hộ khẩu.
Hiện nay, theo quy định của ngành hàng không, trẻ em có thể đi máy bay cùng người lớn bất kỳ, nhưng phải có giấy ủy quyền của cha mẹ hoặc giấy tờ chứng nhận mối quan hệ nhân thân giữa trẻ và người đi cùng. Việc thực hiện yêu cầu này không đơn giản, khi có phường nhất định không chịu ký xác nhận ủy quyền hay xác nhận mối quan hệ nhân thân, mà yêu cầu phải ra công chứng như là làm thủ tục cho và nhận con. Các lãnh đạo phường mệt mỏi vì phải ký chứng thực, còn người dân vất vả vì phải đi xin chứng thực. Điều rất vô lý là mặc dù công dân có CMND và hộ khẩu, nhưng nhiều cơ quan, đơn vị tuyển dụng vẫn đòi phải có chứng thực “có hộ khẩu thường trú tại địa phương”.
Ngay trong ngành giáo dục, lẽ ra có cách quản lý học sinh khoa học và hiện đại, nhưng cũng có những thủ tục bất hợp lý, không cần thiết. Như chuyện nộp bổ sung hồ sơ nhập học đại học sau khi đã trúng tuyển và đã làm thủ tục nhập học, quy định rất cứng nhắc là chính sinh viên đó đi nộp thì mới hợp lệ, còn cha mẹ đi nộp thay thì không được, mặc dù hồ sơ đã chuẩn bị đầy đủ theo yêu cầu. Họ không nghĩ rằng có những trường hợp cha, mẹ muốn trực tiếp đi nộp hồ sơ vì hiểu con mình mới lớn, chưa quen với mấy chuyện thủ tục hành chính, hoặc biết nhược điểm của cậu con là hay làm rách, ướt hồ sơ khi mắc mưa... Có ban giám hiệu trường quy định khi học sinh nghỉ bệnh thì phụ huynh phải viết đơn và mang theo CMND, hộ khẩu đến trường xin cho con vắng. Quy định vậy để nhà trường xem có đúng là cha mẹ của học sinh đó không, mà không cần biết rằng khi con bệnh thì phụ huynh phải bỏ ngày làm việc, tất bật đưa con đi bệnh viện với đủ thứ lo toan. Thời công nghệ thông tin, lẽ ra mỗi phụ huynh được cấp mã truy cập vào trang web quản lý học sinh của trường, sẽ thật đơn giản khi xin phép trên mạng cho con vắng.
Các công dân khi được thay CMND bằng căn cước công dân gặp phải phiền toái không đáng có: số căn cước công dân khác với số CMND, nên khi giao dịch nhà đất, ngân hàng… sẽ gặp rắc rối. Để khắc phục việc này, khi cấp căn cước công dân, cơ quan cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp kèm theo 1 giấy xác nhận số CMND cũ. Điều này thật kỳ quặc và buồn cười, vì căn cước công dân lại phải kèm theo giấy xác nhận này mới sử dụng được khi giao dịch. Lẽ ra sẽ rất đơn giản nếu như ngay trên căn cước công dân có một dòng ghi số CMND cũ; và càng đơn giản hơn nếu như ứng dụng công nghệ thông tin để thống nhất quản lý bằng mã số định danh cá nhân.
Vừa qua, chuyện buộc người thuê bao điện thoại di động phải đến nhà mạng chụp ảnh để quản lý cũng là một thủ tục bất hợp lý và không cần thiết, do đã có nộp CMND. Sau khi dư luận phản ứng, đầu tháng 10-2018, Bộ Thông tin - Truyền thông đã đề xuất bỏ quy định này. Lẽ ra sẽ rất đơn giản nếu như có cơ sở dữ liệu căn cước công dân điện tử để kết nối, đối soát.
Những quy định thủ tục bất hợp lý làm phiền dân như vậy cho thấy thực tế đang đặt ra yêu cầu cấp bách ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển sang quản lý bằng mã số định danh cá nhân. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc quy định thủ tục bất hợp lý làm phiền dân: do muốn chứng tỏ mình có quyền lực; do cố tình làm khó để tiêu cực; do sợ trách nhiệm; và do không biết ứng dụng công nghệ thông tin. Từ 11 năm trước, năm 2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định 64/2007/NĐ-CP quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Theo đó, người đứng đầu cơ quan nhà nước ở các cấp có trách nhiệm chỉ đạo việc ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý công việc, tăng cường sử dụng văn bản điện tử, từng bước thay thế văn bản giấy trong quản lý, điều hành và trao đổi thông tin. Không có lý do gì để mãi đến bây giờ còn có cơ quan, đơn vị chưa thay đổi cách thức quản lý khoa học, hiện đại. Cần phải dẹp bỏ ngay những tư tưởng đặt ra các quy định vô lý ngay từ trong khâu soạn thảo các quy định, thủ tục.