Có bao nhiêu giáo viên hiểu rõ dạy học tích hợp là gì? Xin thưa là rất ít hoặc nếu có hiểu thì cũng lõm bõm, cóp nhặt từ nhiều nguồn, bởi lẽ chưa có chương trình mẫu hay hướng dẫn nào mô tả kỹ dạy tích hợp cần phải làm những gì!
Cụ thể là “tích” như thế nào cho “hợp” và giáo viên bộ môn phải “hòa trộn”, tổng hợp kiến thức như thế nào để có được tiết dạy mang đúng tên gọi tích hợp? Không thể trách giáo viên về vốn hiểu biết dạy học tích hợp còn hạn chế và không theo kịp xu thế thời đại. Nhiều thập kỷ qua, những lò đào tạo sư phạm chỉ đào tạo giáo sinh dạy đơn môn nên muốn họ hiểu đúng, chuẩn bị tinh thần hòa nhịp vào chương trình dạy học tích hợp thì phải tập huấn, đào tạo lại. Tuy nhiên, trên thực tế, câu hỏi phải “lo làm chuồng trước khi mua bò” được chuẩn bị ra sao?
Trong những năm vừa qua, một số trường học ở TPHCM nói riêng và cả nước nói chung đã tiên phong đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tiên tiến, thí điểm mô hình dạy học tích hợp. Dưới nhiều tên gọi như dạy học theo dự án, chủ đề…, nhiều trường đã chủ động tích hợp kiến thức từ truyền thống đến xuyên môn, gắn những kiến thức đã học với thực tiễn sinh động. Và khi được thực hiện các dự án dạy và học theo chủ đề, kết hợp kiến thức, lồng ghép các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội với nhau, cả thầy lẫn trò đều cảm nhận được giá trị thực học, thực hành.
Vượt qua khuôn khổ của tiết học truyền thống khô cứng, học trò được làm việc nhóm, trải nghiệm, khám phá môi trường sống xung quanh. Không những thế, các em còn được hóa thân vào những nhân vật văn học, lịch sử và thể hiện năng khiếu, sở trường của mình. Hiệu ứng từ những tiết học tích cực này đã giúp học sinh tổng hợp kiến thức, kỹ năng thuộc nhiều khía cạnh, lĩnh vực đã học, phát huy năng lực cá thể. Chia sẻ kinh nghiệm từ những tiết dạy học theo đề án, chủ đề, nhiều giáo viên giỏi, có kinh nghiệm tự tin, hứng thú với phương pháp dạy học tích cực này. Thế nhưng, con số này còn quá nhỏ nhoi. Điểm lại mới chỉ có một số ít trường và số ít giáo viên dám tiên phong - cọ xát với cái mới đầy khó khăn, thử thách, thiếu thốn phương tiện, điều kiện… Tuy vậy, cố gắng lắm, mỗi trường trong một năm học cũng chỉ thực hiện được một đến hai dự án dạy học theo chủ đề vì rất tốn công sức, thời gian và phải đầu tư nhiều. Không có công thức chung và mỗi trường, mỗi bộ môn tự chọn chủ đề, mày mò cách làm, cách dạy đòi hỏi kiến thức tổng hợp, sự sáng tạo của thầy và trò.
Vấn đề đặt ra ở đây là dạy học tích hợp như thế nào để đạt hiệu quả giảm môn học, lồng ghép kiến thức kèm các vấn đề thời sự của cuộc sống vào hoạt động giáo dục? Nếu không tạo ra sự đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng để đội ngũ giáo viên thay đổi tư duy, có kỹ năng kiến tạo, giúp học sinh làm việc nhóm, khám phá tri thức và giải quyết các vấn đề đặt ra thì khó có thể chạm vào mục tiêu đổi mới giáo dục. Theo lộ trình, sau năm 2018, chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới sẽ được áp dụng. Và tại các hội nghị tập huấn về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông gần đây, lãnh đạo Bộ GD-ĐT nhắc nhiều đến cụm từ dạy học tích hợp, dạy học phân hóa, nhưng cách giải thích thì chung chung khiến cán bộ quản lý lẫn giáo viên cũng cảm thấy mơ hồ, hiểu không sâu. Một khi hiểu chưa đến nơi đến chốn thì làm sao các trường thực thi đúng.
Về phía giáo viên, nếu họ hiểu đơn giản, cố lồng ghép nhiều kiến thức vào giờ dạy tích hợp mà không tạo điều kiện cho học sinh thực hành, trải nghiệm thực tế thì sẽ trở thành khiên cưỡng. Nhiều trường học thừa nhận họ đang loay hoay và không biết cách định hướng cho giáo viên thí điểm dạy tích hợp, liên môn như thế nào để nâng cao năng lực, kỹ năng cho học sinh. Có quá nhiều rào cản, thách thức và khó khăn lưu cữu đang đeo bám ngành giáo dục và không biết đến bao giờ mới tháo gỡ được. Thực tế này ít nhiều đang làm nản lòng các nhà giáo và họ chỉ ước ao được sống bằng nghề nghiệp của mình. Hơn nữa, nếu chạy theo dạy tích hợp nhưng Bộ GD-ĐT chưa trao quyền tự chủ cho giáo viên, chưa thay đổi cách kiểm tra đánh giá thì làm sao khuyến khích người dạy năng động, sáng tạo.
Đổi mới giáo dục là nhiệm vụ cấp thiết, nhưng đừng để giáo viên phải mày mò, loay hoay với cách làm mới và mất tự tin.
KHÁNH BÌNH