Nếu không có gì thay đổi, giữa tháng 2 này, LĐBĐ Việt Nam (VFF) sẽ tổ chức đại hội khóa 7 trong một nửa sự thờ ơ và một nửa là kỳ vọng. Thờ ơ bởi nhân sự của VFF không thay đổi mấy so với trước, bộ máy vẫn giữ nguyên. Còn kỳ vọng là bởi năm 2014 có khá nhiều sự kiện mang tính lịch sử của bóng đá Việt Nam, vai trò của VFF rất quan trọng, không thể không chờ đợi ở họ những sự đột phá trong việc điều hành nền bóng đá nước nhà.
Bóng đá Việt Nam đang rơi vào một tình trạng “dở dở, ương ương” như tình hình của VFF hiện tại. Đội tuyển trẻ U.19 cho thấy một tương lai đáng để hy vọng, nhưng thực trạng của làng cầu lại ngổn ngang, bất cập từ những khâu cơ bản như đào tạo trẻ cho đến những yếu tố mang tính chất nền móng như hoạt động của các CLB chuyên nghiệp. Thực tế đó đặt cho VFF một thách thức: Nên làm trước cái gì và phải chờ thêm thời gian cái gì. Đấy là chưa nói, chiến lược phát triển bóng đá đã được Chính phủ phê duyệt sẽ nằm ở đâu trong chương trình hành động của VFF khóa tới.
Đơn cử như chuyện về đội U.19 Việt Nam hiện vẫn đang có 2 luồng ý kiến khác nhau khi đánh giá về thành công của đội bóng trẻ này. Một bên cho rằng, đây là thế hệ mới của bóng đá Việt, có thể vươn đến tầm châu lục. Bên còn lại, đa số là các chuyên gia giàu kinh nghiệm, lại cho rằng thành công của U.19 chỉ cho chúng ta thấy sự đúng đắn trong việc đầu tư vào bóng đá trẻ, chỉ ra một cách làm cần được nhân rộng. Trước đây, cứ mỗi khi các đội tuyển quốc gia thất bại, VFF lại hô hào “trẻ hóa” nhưng lại chẳng biết làm sao, thì nay với lứa U.19 này, đã có câu trả lời: Muốn “trẻ hóa” thì phải bắt đầu từ khâu đào tạo chứ không phải cứ đưa cầu thủ ít tuổi vào đội tuyển là xong.
Rất tiếc, VFF đang nghiêng về ý tưởng đầu tiên, tức là đặt trọng tâm vào thành tích của đội U.19, thậm chí đặt luôn viễn cảnh có thể tranh vé dự World Cup trong thời gian ngắn. Nếu đấy chỉ là một cách nói mang tính cổ động tinh thần thì không sao, còn nếu VFF cho rằng đấy là việc họ phải làm thì thật nguy hiểm.
Bởi làm bóng đá không chỉ có tiền, có quyết tâm, có ước mơ là được. Bất kỳ một nền bóng đá mạnh nào cũng phải xây dựng từ nền móng, đó là các CLB, là hệ thống giải đấu nội địa, nơi sản sinh ra tài năng cho các thế hệ tuyển thủ của đội tuyển quốc gia. Một khi 80% các CLB chuyên nghiệp hiện nay không có đủ các tuyến trẻ theo quy định, 50% các CLB không đủ nguồn lực tài chính cho một năm hoạt động, thành tích của các CLB trên trường quốc tế còn tệ hại, cả nước chỉ có chưa đến 10 trung tâm đào tạo cầu thủ chất lượng cao và chỉ còn 1/3 tỉnh, thành còn phát triển bóng đá thì không thể nói, “sức khỏe” của bóng đá Việt Nam đã bình thường, nói gì đến khỏe mạnh để vươn ra biển lớn.
Thế nên, triển vọng của U.19 là điều mà VFF nên dành thêm thời gian để chờ đợi. Không thể thúc ép, không nên đặt chỉ tiêu thành tích nào. Cái mà họ cần làm là sửa chữa những bất cập của các giải đấu nội địa, khuyến khích và chăm lo nhiều hơn cho hệ thống đào tạo cả chiều sâu lẫn bề rộng, xây dựng một thể chế mới trong hoạt động của bóng đá chuyên nghiệp mà ở đó, các CLB phải được đặt vào vị trí trung tâm để thu hút thêm nguồn đầu tư cho bóng đá nội địa.
Bài học của HA.GL rành rành: đội U.19 mà VFF đang chọn là “lá cờ đầu” của mình về bản chất, chính là đội bóng của Học viện HA.GL - Arsenal, một trung tâm đào tạo trẻ tư nhân hoàn toàn mà suốt 7 năm qua VFF chưa hề quan tâm thật sự…
VIỆT QUANG