Nếu như cách đây hơn 10 năm, lớp học có ti vi LCD là mơ ước của nhiều phụ huynh có con học mẫu giáo thì hiện nay đã có hơn 80% trường mẫu giáo trên địa bàn TPHCM có trang bị thiết bị nghe - nhìn này phục vụ việc học của học sinh.
Từ những tiết dạy tiếng Anh với những đoạn video clip sinh động, những bài giảng về tên gọi màu sắc, đồ vật đến những đoạn phim tư liệu giới thiệu các kiến thức về khoa học địa lý, tự nhiên xã hội đều được “hình ảnh hóa” và “âm nhạc hóa” một cách sống động, tạo nhiều hứng thú cho học sinh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trước áp lực không ngừng gia tăng sĩ số, khối lượng công việc của giáo viên trở nên quá tải, một vài nơi - đặc biệt là ở các trường ngoài công lập, màn hình LCD đã bị trưng dụng làm phương tiện chiếu phim hoạt hình đơn thuần (không đi kèm mục tiêu giáo dục), gây bức xúc cho phụ huynh.
Chị Ngọc Anh, phụ huynh có con đang học một trường mẫu giáo tư thục trên địa bàn quận Bình Thạnh cho biết, nhiều lần đột xuất đến trường thăm con chị đều thấy các cô mở phim hoạt hình cho các cháu coi. Lớp học có hơn 45 học sinh, xếp thành 5 hàng ghế ngồi thẳng tắp như trong rạp “xi - nê”. Ti vi cứ chiếu lặp đi lặp lại phim hoạt hình “Tom và Jerry” với mục đích “giữ chân” các cháu, không cho chạy nhảy lung tung để các cô làm việc khác.
Chị Anh bức xúc: “Nếu các cô chiếu xen kẽ phim hoạt hình giữa các giờ học trên lớp với mục tiêu cho học sinh thư giãn hoặc vào các giờ đón và trả cháu để ổn định lớp thì sẽ hợp lý. Đằng này phim hoạt hình đã bị lạm dụng, khiến nhiều giờ liền các cháu cứ dán mắt vào màn hình ti vi để cô rảnh tay làm việc khác, đây là cách làm rất vô trách nhiệm”.
Mặt khác, theo cảnh báo của nhiều chuyên gia y tế, trẻ em dưới 6 tuổi không nên xem ti vi quá 2 giờ/ngày. Nếu phân chia theo tỷ lệ thời gian các em sinh hoạt ở trường và tại nhà, bình quân một ngày đến lớp học sinh không được xem ti vi quá 1 giờ. Đó là chưa kể khi biện pháp ổn định lớp này bị lạm dụng sẽ kéo theo nhiều hệ quả khó lường khác, như nếu không được giáo viên chú ý nhắc nhở ngồi cách xa màn hình ti vi sẽ khiến thị lực các cháu bị ảnh hưởng. Hay trong trường hợp sự phân chia chỗ ngồi là cố định, học sinh ngồi lâu ở một vị trí xem ti vi sẽ khiến mắt điều tiết không hài hòa. Về lâu dài sẽ khiến các em bị các dị tật về mắt như lé, loạn thị…
Qua đó cho thấy việc trang bị các loại thiết bị nghe nhìn hiện đại trong lớp học là một điều hết sức cần thiết với mục tiêu phục vụ bài giảng, giúp các tiết học trở nên sinh động, dễ tiếp thu hơn. Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, việc lạm dụng các loại thiết bị này sẽ gây tổn hại đến quá trình phát triển của các em.
Nói như chia sẻ đầy chua chát của một phụ huynh, khi lớp học chưa trang bị ti vi LCD, phụ huynh không phải đóng thêm bất kỳ khoản nào ngoài tiền học phí nhưng con em họ được hưởng lợi từ những bài giảng trực tiếp của giáo viên nhiều hơn. Trong khi đó, sau khi được trang bị LCD, phụ huynh vừa phải đóng thêm tiền cơ sở vật chất (để mua sắm, bảo quản trang thiết bị, mua các loại phần mềm, đĩa học tiếng Anh và phụ nhà trường trả tiền điện), vừa nơm nớp lo sợ con mình bị các chứng bệnh về mắt hay mắc một số hội chứng như tự kỷ (do ít có cơ hội tiếp xúc với giáo viên và bạn học cùng lớp), béo phì (do ít vận động, chỉ ngồi một chỗ thụ động xem ti vi)… Rõ ràng trong trường hợp này, thiệt đơn thiệt kép sẽ thuộc về phía người học.
Các quy định hiện nay của ngành giáo dục chỉ mới có chủ trương khuyến khích giáo viên sử dụng các trang thiết bị hiện đại vào việc hỗ trợ bài giảng, mà chưa có bất kỳ sự kiểm soát hay quy định chặt chẽ nào bằng con số về giới hạn thời gian, khoảng cách, phạm vi và đối tượng sử dụng. Về lâu dài rất cần sự ngồi lại giữa các chuyên gia giáo dục và y tế để học sinh không bị thiệt hại từ việc sử dụng các trang thiết bị này.
THANH THU