Lỗi cả đôi đàng

Taxi đã có từ rất lâu và là một loại hình vận tải hành khách công cộng rất tiện lợi. Nó có thể đón khách ở bất kỳ chỗ nào và trả khách ở bất cứ nơi đâu trong TP và đi các tỉnh lân cận, trong mọi điều kiện thời tiết nắng mưa. Đó là ưu thế mà xe buýt hoặc các loại hình vận tải công cộng khác không có được.

Việc đầu tư kinh doanh taxi cũng đem lại nguồn lợi nhuận lớn. Chính vì thế, các nhà đầu tư đua nhau lập ra các hãng taxi mới. Còn nhớ khoảng mươi năm trước, ở TPHCM chỉ có hai hãng taxi độc chiếm thị trường là Airport taxi (người dân quen gọi là taxi trắng – do xe sơn màu trắng) và Vinataxi (taxi vàng) với tổng cộng trên dưới 1.000 xe lăn bánh và tài xế rất lười chạy ban đêm.

Nhưng đến nay, tại TPHCM đã có 28 hãng taxi lớn nhỏ với hơn 12.600 xe được đăng ký chính thức và hoạt động nhộn nhịp suốt ngày đêm. Sự bùng nổ vận tải taxi ở TPHCM là hệ quả tất yếu của sự phát triển kinh tế - xã hội ở một TP đông dân nhất và cũng sôi động nhất cả nước, trong khi các loại hình vận tải công cộng khác chưa kịp phát triển và đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Tuy nhiên, khi taxi trở thành một nguồn lợi trong kinh doanh thì luôn phát sinh các hình thức trục lợi bất chính từ loại hình vận tải này. Đã có rất nhiều hành khách bất ngờ khi thanh toán tiền taxi cùng một đoạn đường như nhau nhưng tiền cước của các hãng taxi khác nhau lại chênh lệch rất xa. Đó là tình trạng gian lận, móc túi hành khách trong cài đặt đồng hồ tính cước của các hãng taxi, thường là của hãng nhỏ hoặc “taxi dù” và “taxi mù” – taxi không có thương hiệu.

Thứ đến là tình trạng bán nhãn hiệu, bán xuất xe đã được đăng ký… làm cho hành khách không biết đâu là xe thật, đâu là xe giả của những hãng có tiếng tăm. Những lỗi này đương nhiên thuộc về chính các hãng taxi cũng như thuộc về người lái taxi.

Nhưng ở góc độ khác, việc để xảy ra tình trạng gian lận và “loạn taxi” thuộc về lỗi không nhỏ của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Tình trạng gian lận trong tính cước taxi đã được dư luận phản ánh rất nhiều và bức xúc nhất, nhưng một thời gian dài không được chấn chỉnh mà trách nhiệm trước hết thuộc cơ quan kiểm định đồng hồ tính cước taxi. Điều lạ là trong đợt thanh tra taxi mới nhất của Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải tại TPHCM, đoàn thanh tra này không phát hiện ra xe nào có lỗi trong tính cước!

Sự bùng nổ về số lượng và tràn lan về chủng loại và hãng taxi ở TPHCM thì rõ ràng là lỗi của cơ quan cấp phép. Phải chăng cơ quan này muốn taxi “đi trước thời đại”? Sự gia tăng ồ ạt taxi không chỉ gây nên tình trạng tắc nghẽn giao thông, nhất là những tụ điểm vui chơi, nhà hàng… mà còn tạo nên nhiều cảnh tranh giành khách hàng thiếu văn hóa, gây phản cảm cho mọi người, nhất là những du khách nước ngoài. Chưa hết, việc quy hoạch bến bãi đậu xe cho taxi vốn rất khó khăn từ nhiều năm trước, song cơ quan cấp phép vẫn nhắm mắt cho ra đời nhiều hãng taxi mới mà chẳng cần biết họ sẽ đậu ở bến bãi nào. Do đó, rất nhiều taxi đã đậu bừa trên đường hoặc chạy lòng vòng để tránh bị phạt.

Rất may Bộ Giao thông Vận tải đã có cuộc thanh tra toàn diện và cũng có những chấn chỉnh ban đầu được cho là kiên quyết: Đình chỉ các hãng taxi không đủ điều kiện kinh doanh hoặc vi phạm những quy định của hoạt động này. Hy vọng lỗi của cả hai bên sẽ được khắc phục. Tuy nhiên việc thanh, kiểm tra cần phải làm thường xuyên chứ không phải chỉ theo đợt rồi lại buông xuôi.

Phan Lộc

Tin cùng chuyên mục