Lợi dụng lỗ hổng “254” để buôn lậu

Đi buôn lậu như đi chợ
Lợi dụng lỗ hổng “254” để buôn lậu

Sau khi các địa phương ở khu vực biên giới phía Bắc đồng loạt triển khai chiến dịch ngăn chặn hàng lậu thì hơn 1 tháng qua, tại các cửa khẩu tiểu ngạch, lực lượng buôn lậu lại đang thi nhau chuyển sang lợi dụng kẽ hở của Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg (ưu đãi cho cư dân biên giới, trong đó quy định những người sống ở khu vực biên giới được qua biên giới nước bạn mua hàng dưới 2 triệu đồng và không phải nộp thuế, kiểm tra an toàn thực phẩm…) để lách luật, tuồn hàng lậu vào nội địa.

Cán bộ Đội kiểm soát liên ngành về chống buôn lậu, gian lận thương mại ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) kiểm kê lô hàng nhái, có nguồn gốc từ Trung Quốc vừa bắt giữ tại ga Đồng Đăng.

Cán bộ Đội kiểm soát liên ngành về chống buôn lậu, gian lận thương mại ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) kiểm kê lô hàng nhái, có nguồn gốc từ Trung Quốc vừa bắt giữ tại ga Đồng Đăng.

Đi buôn lậu như đi chợ

Cuối năm, khu vực miền Bắc liên tục rét đậm rét hại, sương mù nhưng ở khu vực cửa khẩu, cửa ngõ biên giới, cảnh buôn bán, vận chuyển hàng hóa, hàng lậu lại “nóng” suốt ngày lẫn đêm. Càng về những tuần cuối năm, không khí càng trở nên nhộn nhịp.

Tại khu vực trạm kiểm soát cửa khẩu Cốc Nam, nằm sát thị trấn Đồng Đăng (Lạng Sơn), hàng trăm người dân bản địa, gồm già trẻ, lớn bé, trong đó phần nhiều là phụ nữ, đang xếp hàng dài, ầm ào chờ đến lượt làm thủ tục xuất cảnh qua bên kia biên giới. Trên tay mỗi người là những cuốn sổ thông hành cùng đủ loại túi, gùi, hành lý, xe đẩy. Mặc dù đã xế chiều, ở miền núi sương buốt lạnh, trời âm u nhưng số lượng người có nhu cầu qua bên kia cõng hàng về vẫn không ngớt.

Trong khi đó, ở phía bên kia cổng trạm, hàng trăm cửu vạn, người dân bản địa khác cũng đang lũ lượt đứng, ngồi đợi đến lượt làm thủ tục kiểm kê hàng hóa. Người nào cũng ôm, vác theo những bịch hàng hóa đủ kiểu, bọc trong mảnh ni lông đen kín, chất ngổn ngang. Đây là những kiện hàng được đưa về trên danh nghĩa hàng mua bán, trao đổi giữa cư dân biên giới hai nước. Vì vậy, theo quy định, trước khi vận chuyển vào nội địa, hàng bắt buộc phải được cơ quan hải quan cửa khẩu mở ra kiểm tra, định giá. Chỉ những lô hàng có giá trị dưới 2 triệu đồng mới cho đưa qua cửa khẩu.

Điều kỳ lạ ở chỗ, mặc dù năm nay nhiều người nhận định nền kinh tế gặp khó khăn, sức mua trên thị trường giảm hẳn, nhưng không khí mua bán hàng tạp hóa, đồ tiêu dùng ở khu vực biên giới lại đang nóng lên từng ngày, trước thời điểm Tết Quý Tỵ.

Thượng úy Đào Công Ngọc, Phó trạm trưởng Trạm Biên phòng cửa khẩu Cốc Nam, công nhận hiện tượng bà con đổ xô về khu vực cửa khẩu để mua bán, trao đổi hàng hóa theo chính sách cư dân biên giới đang tăng vọt. Sở dĩ có hiện tượng trên là do lực lượng biên phòng, hải quan và các cơ quan liên ngành của tỉnh Lạng Sơn đang đồng loạt ra quân ngăn chặn hàng nhập lậu. Riêng tại cửa khẩu Cốc Nam, lực lượng biên phòng đã được giao lập hàng loạt chốt canh gác, xây dựng hàng rào chắn tại các cung đường mòn, lối mở để không cho hàng lậu vào nội địa.

Quan điểm chỉ đạo của tỉnh Lạng Sơn là phải kiên quyết ngăn chặn hàng nhập lậu cuối năm. Khi không còn đường vận chuyển lậu nữa, các “đầu nậu” đã chuyển sang khai thác kẽ hở của chính sách ưu đãi mua bán, trao đổi hàng hóa cư dân biên giới theo Quyết định 254/2006/QĐ-TTg nhằm tìm mọi cách trốn thuế, tuồn hàng hóa về Việt Nam.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây khi việc kiểm soát buôn lậu ở biên giới còn lỏng lẻo, hầu như rất ít người đi “đánh” hàng “kiểu 254”, vì mỗi ngày chỉ được một lần sang mua hàng, số lượng hàng hóa đem về lại bị giới hạn dưới 2 triệu đồng. Trong khi đó, nếu vác lậu qua các đường mòn, lối mở như Gốc Nhãn, Thác Ném, 386, khu Gốc Bưởi, khu vực Đồng Đăng… thì có thể tuồn về những mẻ hàng rất lớn.

Nhưng khi các cơ quan chức năng kiểm soát chặt, các chủ hàng lậu chỉ còn một cách là tổ chức thuê mướn thật nhiều cư dân bản địa sang bên kia gùi, vác hàng về qua đường cửa khẩu, rồi khai báo là hàng trao đổi cư dân biên giới để khỏi áp thuế. Bản thân cư dân biên giới cứ có lợi nhuận là họ sẵn sàng nhận lời làm cửu vạn vác hàng thuê. Đó chính là câu trả lời vì sao số lượng người đổ xô về các cửa khẩu tiểu ngạch khu vực biên giới phía Bắc bỗng nhiên tăng vọt thời gian gần đây.

Cư dân biên giới đổ về cửa khẩu Cốc Nam để làm thủ tục xuất cảnh sang bên kia biên giới vận chuyển thuê hàng lậu cho đầu nậu.

Cư dân biên giới đổ về cửa khẩu Cốc Nam để làm thủ tục xuất cảnh sang bên kia biên giới vận chuyển thuê hàng lậu cho đầu nậu.

Kẽ hở

  • Trần Văn Nghĩa - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cốc Nam:

"Trước đây mỗi gia đình chỉ có chừng 1 người sang bên kia biên giới mua hàng thì nay huy động 2 - 4 người, thậm chí cả gia đình đi làm thủ tục mua bán, trao đổi hàng hóa cư dân biên giới"

Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cốc Nam, ông Trần Văn Nghĩa, cũng cho biết, riêng ở khu vực Cốc Nam, hiện số lượng người đăng ký hưởng chính sách mua bán hàng hóa theo diện cư dân biên giới đã tăng lên tới trên 2.000 người. Trong đó, có ngày đơn vị biên phòng và hải quan nhận được hơn 500 sổ đăng ký xuất cảnh qua bên kia biên giới mua hàng về.

Không chỉ ở Cốc Nam, tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng), đối tượng khai báo trao đổi mua bán hàng hóa cư dân biên giới theo Quyết định 254/2006/QĐ-TTg cũng đang gia tăng chóng mặt. Mỗi ngày có tới 300 - 500 lượt người qua lại, có nhu cầu kê khai hàng hóa trao đổi cư dân biên giới.

Từ kẽ hở này, các chủ đầu nậu đã dùng thủ đoạn lách luật bằng cách xé nhỏ tất cả lô hàng mua tại các chợ Trung Quốc ra thành trăm kiện lẻ, rồi thuê hàng chục, hàng trăm cửu vạn, bà con thuộc diện cư dân biên giới vận chuyển về nội địa một cách công khai qua cửa khẩu. Vì thế, dọc đường vào các khu cửa khẩu tiểu ngạch như Tân Thanh, Cốc Nam (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh) và cả cửa khẩu Lào Cai... chúng tôi bắt gặp rất nhiều bà con, cửu vạn đang hối hả cõng hàng về. Tại tỉnh Lạng Sơn, sau khi hàng về tới thị trấn Đồng Đăng sẽ được thu gom, tập kết để giao lại cho các đầu nậu. Các đầu nậu sẽ hợp thức nguồn hàng lách thuế này bằng hóa đơn mua hàng của các cư dân biên giới để vận chuyển về xuôi một cách dễ dàng.

Tìm hiểu mở rộng, chúng tôi được biết phần lớn nguồn hàng nhập khẩu theo diện cư dân biên giới sau khi thu gom sẽ được các chủ đầu nậu chở về khu ga Đồng Đăng (ga nằm sát biên giới) để chở về xuôi. Tại ga Đồng Đăng vào lúc 11 giờ 30 trưa, một chuyến tàu khách vừa từ Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang lên. Hàng chục, hàng trăm xe hàng bắt đầu tấp nập lao ra từ các ngõ ngách, chất lên kín các toa.

Ông Vi Hữu Thu, Đội trưởng Đội kiểm soát liên ngành chống thất thu thuế và buôn lậu, gian lận thương mại ga Đồng Đăng (thuộc Ban chỉ đạo 127 về chống buôn lậu của tỉnh Lạng Sơn) nói rằng, mặc dù là tàu khách nhưng tàu Hà Nội - Lạng Sơn thường không có một khách nào, mà chỉ lên để chở hàng về xuôi. Mỗi ngày có một chuyến. Tàu sẽ đỗ hẳn một tiếng đồng hồ ở sân ga Đồng Đăng để bà con bốc hàng lên. Phần lớn các loại hàng hóa đưa lên tàu là hàng được mua bán, vận chuyển từ bên kia biên giới về theo “chính sách 254”.

Trách nhiệm của Đội liên ngành ga Đồng Đăng là kiểm soát hàng hóa đưa lên tàu, ngăn chặn các vụ vận chuyển hàng lậu trên cung đường sắt. Một nguồn tin nói rằng, các lô hàng chở về xuôi đều là của các chủ đại lý, chủ đầu nậu buôn lậu ở Đồng Đăng và Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang… còn bản thân cư dân bản địa thì không thể có nhiều tiền để ngày nào cũng qua bên kia “cõng” hàng về tiêu dùng, buôn bán vì họ đâu có vốn liếng. Trong khi đó, ông Thu cũng tâm sự thẳng thắn rằng, bản thân đội kiểm soát liên ngành chỉ có lực lượng mỏng, không thể kiểm tra được toàn bộ các lô hàng đưa lên tàu, những vụ phát hiện và có thể xử phạt, tịch thu hàng hóa chủ yếu là các vụ buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng nhái từ Trung Quốc vào nội địa.

Quyết định 254 cho phép cư dân biên giới được sang trao đổi, mua bán hàng hóa với nhau khoảng 35 loại mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày như quần áo, chăn màn, bát đĩa, nồi cơm điện, hoa quả, thực phẩm… với trị giá dưới 2 triệu đồng/lượt mà không phải chịu khoản thuế nào và được công nhận hợp pháp nên khi các chủ đầu nậu thuê bà con vận chuyển hàng lậu từ Trung Quốc về khu vực ga Đồng Đăng thì lực lượng liên ngành cũng không thể xử lý, vì các hóa đơn, chứng từ đều… hợp pháp.

Trần Phúc - Quốc Khánh

Tin cùng chuyên mục