Lời giải nào cho hạ tầng giao thông khu Nam?

Phải công nhận khu đô thị mới Nam TPHCM là nơi được đầu tư bài bản, môi trường sống trong lành với nhiều khu dân cư mới điển hình như Phú Mỹ Hưng, Phú Long, Vạn Phúc, Sadeco… Nhưng, câu chuyện giao thông ở khu Nam đang là nỗi ám ảnh của cư dân nơi đây khi hàng ngày phải vượt qua vòng vây kẹt xe, ùn tắc để vào trung tâm TP đi làm, đi học…

 

Quá tải giao thông tại cửa ngõ khu Nam vào trung tâm TPHCM
Quá tải giao thông tại cửa ngõ khu Nam vào trung tâm TPHCM
Thời gian di chuyển tỷ lệ nghịch với tốc độ đô thị hóa

Anh Đạt, một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực khoáng sản, cách đây 5 năm đã chọn dự án khu biệt thự Dragon của Công ty Phú Long trên đường Nguyễn Hữu Thọ (Nhà Bè) để an cư. Theo anh Đạt, đây là dự án được đầu tư bài bản, khép kín nên rất an tâm. Thời điểm đó, thời gian di chuyển bằng ô tô từ nơi ở vô trung tâm quận 1 (khoảng 8km) mất khoảng 30 phút vào giờ cao điểm. Nhưng 5 năm sau, “Vẫn cung đường trên, tôi phải mất một tiếng đồng hồ để di chuyển vô trung tâm TP. Những lúc trên đường có sự cố thì thời gian đi còn lâu hơn nữa”, anh Đạt chia sẻ.

Khu Nam bắt đầu có vẻ chật chội  hơn với khá nhiều dự án: khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Park Vista, The Park Residence, Dragon Hill 2, Kiến Á, Hưng Phát Silver Star... Đó là chưa kể hàng chục khu dân cư lớn nhỏ ở quận 7, Nhà Bè, Bình Chánh, như Trung Sơn, Sadeco, Đại Phúc…, thu hút hàng trăm ngàn người đến sinh sống. Dân cư tăng nhanh nhưng giao thông từ khu Nam vào trung tâm TP chủ yếu thông qua cầu Kênh Tẻ, cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Khánh Hội; tốc độ đô thị hóa diễn ra quá nhanh đã khiến các cây cầu trên bị quá tải. Việc kết nối khu Nam với trung tâm TP thông qua những trục đường chính như Nguyễn Hữu Thọ, Lê Văn Lương hiện chưa được đầu tư mở rộng như quy hoạch, nên đã có tác động tiêu cực đến tình hình giao thông tại đây. Trục đường Nguyễn Hữu Thọ từ chân cầu Kênh Tẻ phía quận 7 đến khu vực huyện Nhà Bè - cũng là tuyến đường chính kết nối trung tâm TP đến khu Nam - được xem là tuyến đường có mật độ xây dựng sôi động nhất từ nhiều năm nay. Nhiều người lo ngại, khi các dự án đang xây dựng đưa vào sử dụng thì trục đường này có đủ sức đáp ứng nhu cầu đi lại của hàng chục ngàn hộ dân tại đây? 

Nguồn cung tiếp tục tăng

Theo các đơn vị nghiên cứu thị trường, trong 7 năm thị trường bất động sản (BĐS) khủng hoảng, nguồn cung căn hộ tại TPHCM lên đỉnh điểm là năm 2010 - với 21.000 sản phẩm được tung ra thị trường. Từ năm 2013 đến 2015, căn hộ bình dân chiếm lĩnh thị trường. Năm 2016 đến nay đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của BĐS cao cấp. Căn hộ cao cấp được tung ra nhiều hơn và lượng giao dịch thành công đã tăng lên. Đến năm 2017 thì nguồn cung căn hộ cao cấp đã có số lượng áp đảo, trong đó khu Nam chiếm tỷ lệ đáng kể. Mới đây nhất, LDG Group chính thức khởi công xây dựng dự án Khu căn hộ thông minh ven sông Saigon Intela tại Nam Sài Gòn. Dự án sẽ tung ra thị trường 1.068 căn hộ. Nguồn cung tăng lên gia tăng áp lực hạ tầng cho khu Nam. Theo tính toán sơ bộ, hầu hết khu Nam đã được quy hoạch, nhưng hiện nay tỷ lệ đô thị hóa chưa đến 50% và nhiều dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện. Trong vài ba năm nữa, khi tỷ lệ đô thị hóa tăng lên mà bài toán giao thông chưa được giải, tình hình sẽ càng căng hơn nữa. 

Ông Nguyễn Văn Tám, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, cho biết nhiều dự án hạ tầng khu Nam đã được phê duyệt, như mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ và Lê Văn Lương, xây mới cầu Lê Văn Lương, xây dựng một số cầu mới kết nối quận 7 với quận 4, quận 7 với quận 2…, nhưng hiện nay chưa triển khai được vì còn vướng đền bù, giải tỏa. Chuyên gia đô thị học Nguyễn Minh Hòa cho rằng, cần sớm triển khai các dự án hạ tầng giao thông để kết nối các khu đô thị vệ tinh với trung tâm TP nói chung và khu Nam nói riêng. Có được như vậy sẽ vừa giải bài toán giao thông, vừa khuyến khích người dân di dời ra vùng ven để sinh sống, tạo sự hài hòa về quy hoạch cho TPHCM.
 Một người dân sinh sống khu dân cư Sadeco cho biết, trước đây để tránh ùn tắc hướng cầu Kinh Tẻ thì có thể vòng qua cầu Nguyễn Văn Cừ nối Trần Hưng Đạo. Nhưng hiện tại, lựa chọn này - dù xa hơn - cũng không còn khả dĩ, vì dự án nhà ở mới mọc lên liên tục, kéo theo lượng cư dân đông đúc; nên giờ cao điểm đi hướng nào cũng kẹt.

Tin cùng chuyên mục