Lời hứa trước dân

Kỳ họp Quốc hội (QH) thứ 4 đã kết thúc tuần làm việc đầu tiên với khá nhiều nội dung quan trọng được đặt ra. Và trong đó, dư âm để lại trong lòng ĐBQH, cử tri và nhân dân cả nước, những người quan tâm theo dõi kỳ họp với khá nhiều cảm xúc, chính là giải trình của Thủ tướng Chính phủ.

Kỳ họp QH cuối năm 2012 diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn. Cùng với đó là “cảm xúc” đặc biệt của toàn thể nhân dân sau kết quả Hội nghị Trung ương 6. Hầu hết các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, cử tri đều quan tâm sâu sắc về câu chuyện chống tham nhũng, chống lạm dụng chức vụ quyền hạn, những vụ tiêu cực như Vinashin, Vinalines nay lại đến Nguyễn Đức Kiên, thủy điện Sông Tranh 2… Vì thế hơn bao giờ hết, cử tri, nhân dân và chính các ĐBQH - những người có mặt tại nghị trường mong nhận được sự giải trình trách nhiệm từ phía Thủ tướng, phía Chính phủ.

Trong trạng thái tâm lý đó, nhiều cử tri, nhân dân và chính các ĐBQH đã tỏ rõ sự “bất ngờ” khi Thủ tướng Chính phủ nhận lỗi trước QH, trước toàn Đảng, toàn dân.

Nói như ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TPHCM) là “Không nghĩ Thủ tướng sẽ có phần nhận lỗi khi đọc báo cáo của Chính phủ”. Thông điệp nhận lỗi này của người đứng đầu Chính phủ như một sự “giải trình” thích đáng làm an lòng dân, khiến cử tri thấy mừng, vì rằng “một khi Chính phủ đã nhận thấy rõ những khiếm khuyết của mình chắc chắn sẽ có giải pháp để khắc phục những yếu kém, điều hành tốt hơn trong thời gian tới”.

Từ trước đến nay, trong sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước, của Chính phủ, mỗi khi có thiếu sót, khuyết điểm gì thì đều thẳng thắn nhận lỗi trước nhân dân. Đó đã như một truyền thống, một nguyên tắc, một tinh thần rất cầu thị, khiêm tốn, đúng đắn của Đảng, của Nhà nước ta. Có thể nói, khi có nhiều vấn đề “nóng” càng đòi hỏi trách nhiệm giải trình của Chính phủ phải kịp thời, nghiêm túc và cầu thị. Khi các khúc mắc được giải tỏa, khi thông tin được thông suốt thì càng dễ dàng tạo được sự cảm thông, đồng thuận. Từ đó, những việc làm tốt cũng được ghi nhận đúng hơn, những việc chưa làm tốt cũng dễ bề tìm ra cách khắc phục.

Trong bối cảnh đó, một điều rất mừng là ngay trước thềm phiên khai mạc kỳ họp thứ tư, một số cơ quan QH đã tổ chức “điều trần” về nhiều vấn đề nóng bỏng như sự cố ở thủy điện Sông Tranh, tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; Thanh tra Chính phủ cũng họp báo về “lời hứa” rà soát, giải quyết 528 vụ khiếu nại tố cáo tồn đọng từ kỳ họp trước. Chính phủ cũng quyết định báo cáo ngay trong phiên khai mạc của QH có truyền hình trực tiếp tới toàn dân về công tác phòng chống tham nhũng năm 2012 (một báo cáo mà từ trước đến nay chỉ gửi riêng cho các ĐBQH nghiên cứu). Và ngay sau khi kỳ họp QH khai mạc vài ngày, “nghe ngóng” yêu cầu của ĐBQH, Thủ tướng đã phân công bộ trưởng các bộ, ngành phải báo cáo bổ sung về những vấn đề “nóng” như thủy điện Sông Tranh 2, chính sách tiền lương, kết quả giải quyết nợ xấu, vệ sinh an toàn thực phẩm... Rõ ràng, đó là những động thái tích cực trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình của Chính phủ.

Cũng tại kỳ họp này, khi tiến hành phiên chất vấn vào cuối kỳ họp, lần đầu tiên, Chính phủ phải báo cáo trước QH về kết quả thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ tại các kỳ họp thứ hai, thứ ba vừa qua. Đây là một việc làm mới. Qua đó, để các ĐBQH, cử tri và nhân dân cả nước có cơ hội kiểm đếm những lời hứa của các thành viên Chính phủ, soi rọi vào thực tế, có cơ sở để đánh giá uy tín các vị trưởng ngành. Và tới đây, khi việc bỏ phiếu tín nhiệm trở thành quy trình, đó sẽ là một chế tài hữu hiệu để vị Bộ trưởng nào hứa hẹn trước QH song không “giữ lời” ắt lúc lấy phiếu tín nhiệm sẽ không thể cao, cũng có nghĩa cái “ghế” bộ trưởng, trưởng ngành có thể bị lung lay nếu các vị “hứa mà không làm”.

Một chính phủ càng tăng tính giải trình trước QH, trước nhân dân sẽ giúp công tác chỉ đạo, điều hành minh bạch, sát sườn và kịp thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Càng tăng giải trình, mối liên hệ giữa bộ máy chính quyền và nhân dân càng trở lên gần gụi, hiểu nhau, rút ngắn những khoảng trống mà các thế lực xấu luôn tìm mọi cách để phá hoại, chia rẽ.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục