Lợi nhuận hợp lý

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo trong 4 tháng đầu năm 2011 đạt hơn 2,5 triệu tấn, trị giá gần 1,2 tỷ USD, số lượng và giá trị đều tăng trên 25% so với năm ngoái. Đây là tín hiệu để Việt Nam tiếp tục vượt ngưỡng xuất khẩu 6 triệu tấn gạo như năm 2010. Tuy nhiên, nhìn lại kênh thu mua lúa gạo cũng như cách sản xuất còn manh mún hiện nay của nông dân khó mà lạc quan được.

Dù là cường quốc về xuất khẩu gạo nhưng đến nay Việt Nam gần như chưa tạo được thương hiệu cho mặt hàng gạo xuất khẩu. Kênh thu mua quá lệ thuộc vào thương lái và nông dân sản xuất manh mún nhiều loại giống trên một cách đồng vô tình “trộn lẫn” các giống lúa lại với nhau. Ngay một ghe của thương lái mua lúa đã chứa nhiều giống khác nhau! Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn giữ cách xuất khẩu gạo “truyền thống” lâu nay là phân loại thành gạo 5% tấm, 15% tấm hoặc 25% tấm. Bên cạnh đó, hệ thống kho bãi trữ lúa, gắn với hệ thống sấy hiện đại vẫn chưa được hình thành trên diện rộng là những nguyên nhân mà gạo Việt Nam chưa phải là đối thủ xuất khẩu của Thái Lan.

Trong khi đó, kênh thu mua và cách mua lúa hiện nay còn nhiều bất cập mà những thiệt thòi nông dân thường phải gánh chịu. Dễ thấy nhất là nông dân cần bán lúa nhưng doanh nghiệp lại “chọn” mua gạo! Trong khi doanh nghiệp mua dự trữ gạo theo cách “lời ăn lỗ chịu”, thì khó đảm bảo giá mua lúa, gạo có lợi cho nông dân trong toàn vụ! Đa số nông dân hiện nay khó có thể trữ lúa lâu vì “áp lực nợ nần” ngân hàng, đại lý vật tư nông nghiệp. Chính vì thế sự ngập ngừng, chần chừ của doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong tiến độ thu mua, làm giá lúa sụt giảm là sự “ắch tắc” gây thiệt hại cả trăm tỷ đồng cho nông dân.

Một nhà khoa học ở ĐBSCL bức xúc khi phân tích: Trong bối cảnh biến động của giá cả thị trường, biến đổi khí hậu… nông dân là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Thời điểm xuống giống vụ đông-xuân vừa rồi, hàng chục ngàn hécta lúa của nông dân ĐBSCL phải gieo sạ lại nhiều lần do gặp mưa trái mùa “chụp đồng”; thiếu máy gặt đập liên hợp nên nông dân phải thuê công cắt với giá 500.000 - 700.000 đồng/công (cao gấp 2 - 3 lần so với năm ngoái)… Những thiệt hại này, chắc rằng không được tính vào giá thành sản xuất lúa! Bên cạnh đó, hồi tháng 3-2011 nhiều nông dân thiệt hại nặng khi bán lúa với giá 4.500 - 5.000 đồng/kg, thay vì bán giá 6.000 đồng/kg như hiện nay.

Trên thực tế, nông dân ĐBSCL đang đảm trách vai trò bảo đảm an ninh lương thực và đóng góp nguồn nguyên liệu dồi dào cho xuất khẩu gạo. Nhưng thực tế tỷ lệ đầu tư lại cho nông dân còn rất thấp. Chuyện nông dân làm giàu thật sự là bài toán khó. Xin đưa ra một phép tính: nếu diện tích đất sản xuất của nông dân là 1 ha/hộ (trên thực tế diện tích bình quân ở ĐBSCL thấp hơn nhiều), làm trong hai vụ lúa đông-xuân và hè-thu đạt 10 - 12 tấn. Nếu tính chi phí là 50%, nông dân lãi 50%, tương đương 5 - 6 tấn lúa. Lấy giá lúa như hiện nay khoảng 6.000 đồng/kg (có lúc chỉ 4.500 đồng/kg) cũng chỉ ở ngưỡng 30 triệu đồng, chia cho trung bình mỗi gia đình là 5 người, tương đương 6 triệu đồng/người/năm.

Tính ra thu nhập khoảng 500.000 đồng/người/tháng. Khoản thu nhập này phải chi đủ thứ: cưới hỏi, ma chay, học hành, trị bệnh… Tính như thế để thấy rằng, việc phân phối lợi nhuận hợp lý cho nông dân thông qua giữ giá lúa ổn định là rất cần thiết.

Nhu cầu bức bách hiện nay là hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tăng chuỗi giá trị của lúa gạo, tránh tình trạng trúng mùa mất giá. Hiện nay, Bộ NN-PTNT phát động phong trào nông hộ nhỏ, cánh đồng lớn để hình thành các vùng sản xuất chuyên canh là rất hay. Đây cũng là cơ sở để nhà nước đầu tư, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm như cách làm của một số doanh nghiệp ở ĐBSCL. Nếu mở rộng sản xuất theo hướng này sẽ mang lại hiệu quả cho nông dân - tăng giá trị hạt gạo trong chuỗi sản xuất. Đặc biệt, cần có giải pháp cụ thể để phân phối lợi nhuận hợp lý trong chuỗi giá trị của hạt gạo-mà đối tượng chính là nông dân phải được đảm bảo ở mức hợp lý.

CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục