Vấn đề kết nối cung - cầu, liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa địa phương với địa phương đã trở thành lời giải cho bài toán tiêu thụ nông sản.
Theo Sở Công thương TPHCM, TP có khoảng hơn 10 triệu dân, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa rất lớn. Thống kê sơ bộ, mỗi năm TP cần khoảng 660.000 tấn gạo, 85.000 tấn đường, 216.000 tấn thịt heo, 130.000 tấn thịt gia cầm, 1 tỷ quả trứng gia cầm, gần 1 triệu tấn rau củ quả các loại... Thời gian qua, Sở Công thương TPHCM đã phối hợp sở công thương các tỉnh, thành tổ chức kết nối cung - cầu và đạt được nhiều kết quả khích lệ. Tham gia các chương trình kết nối với những doanh nghiệp phân phối tại TPHCM, nhiều doanh nghiệp ở ĐBSCL đã gia tăng sản lượng cung ứng và trở thành nhà cung cấp chiến lược, thực hiện nhãn hàng riêng cho hệ thống phân phối tại TPHCM, như: Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang, Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi (Đồng Tháp)…
Nhiều doanh nghiệp cho biết, trước kia, mặc dù sản phẩm được sản xuất theo hướng an toàn nhưng vẫn không có được đầu ra ổn định tại thị trường trong nước, bởi sản phẩm chưa có thương hiệu, chưa tạo được lòng tin vững chắc từ người tiêu dùng. Nhờ tham gia liên kết, kết nối với các thương hiệu lớn tại TPHCM như Vissan, Satra, Saigon Co.op, mà các doanh nghiệp đã ổn định được đầu ra, giúp nông dân tiêu thụ phần lớn nông sản.
Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại du lịch TP Cần Thơ, nhìn chung, nông dân hiện nay ý thức rất rõ tầm quan trọng của nông sản sạch theo tiêu chuẩn GlobalGAP để đưa hàng hóa vào tiêu thụ tại siêu thị, phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, sản xuất theo quy trình GlobalGAP, nông dân phải chịu nhiều rủi ro về giá bán, năng suất, chi phí mà bản thân người nông dân khó có thể một mình gánh vác. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp cần xây dụng cơ chế hỗ trợ nông dân duy trì sản xuất theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP).
Nói là làm, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại du lịch TP Cần Thơ đã “kéo” 30 doanh nghiệp thu mua chủ chốt và hơn 150 doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất từ 22 tỉnh, thành phía Nam, TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng về ĐBSCL để giới thiệu về thế mạnh làng nghề, những cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối, kết quả của các mối liên kết giữa các doanh nghiệp, kênh phân phối cũng như nhu cầu của thị trường tiêu thụ của các ngành hàng: Rau củ quả, lương thực, nông sản, thực phẩm, thủy hải sản. Thông qua buổi tiếp xúc, các doanh nghiệp đề nghị sở công thương các tỉnh, thành phố làm cầu nối cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, chợ đầu mối, kho nguyên liệu, kho hàng tại ĐBSCL, vùng Đông Nam bộ, TPHCM; đẩy mạnh khai thác thế mạnh về trái cây, nông sản, thủy hải sản để tiêu thụ tại địa bàn TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng; phối hợp với các cơ quan liên quan nhân rộng mô hình liên kết sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP, cung cấp thông tin thị trường, định hướng cung cầu cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để hình thành chuỗi sản phẩm công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn…
Có thể thấy, thông qua hoạt động kết nối cung - cầu, tiêu thụ nông sản đã có lối ra. Tuy nhiên, việc gắn kết nguồn hàng ổn định thông qua các chương trình bình ổn thị trường và cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cũng như triển khai các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, mở rộng thị trường trong và ngoài nước đòi hỏi thêm nhiều yếu tố. Bên cạnh việc đổi mới sản xuất, nâng cao giá trị nông sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, doanh nghiệp, nhà sản xuất cần gia tăng hàm lượng khoa học - công nghệ (kiểu dáng, mẫu mã, bao bì…), xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo… Có như vậy, nông sản mới thoát cảnh ứ đọng, rớt giá như thời quan qua.
TRẦN MINH TRƯỜNG