Lối ra không quá xa

Những năm qua, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những khó khăn của nền kinh tế trong nước đã khiến hàng trăm ngàn doanh nghiệp lao đao, hàng chục ngàn doanh nghiệp đã gục ngã, phá sản. Những con số thể hiện “sức khỏe” đang suy giảm của cộng đồng doanh nghiệp và “thể trạng” đáng lo ngại của nền kinh tế vĩ mô ngày càng nhiều. Không chỉ tại diễn đàn Quốc hội hay trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mà ngay cả trong những câu chuyện “trà dư tửu hậu”, hàng loạt vấn đề kinh tế cũng đã được người dân đề cập. Rõ ràng, kinh tế vĩ mô vốn dĩ “cao xa” trước kia giờ đây đã trở nên gần gũi, đời thường hơn bởi những tác động của nó ngày một rõ đối với bữa cơm từng gia đình.

Những khó khăn của nền kinh tế là một thực tế không dễ thay đổi trong một sớm một chiều. Có nhiều cách lựa chọn trước thực tế nghiệt ngã: có doanh nghiệp buông xuôi, chấp nhận phá sản; có doanh nghiệp bỏ mặc, tới đâu hay tới đó, nhưng cũng có không ít doanh nghiệp dũng cảm vươn lên, đương đầu với thử thách.

Trong mấy năm qua, hàng loạt doanh nghiệp trong nước đã khẩn trương tái cơ cấu nguồn nhân lực, tinh giảm bộ máy, ứng dụng công nghệ cao, tăng sức cạnh tranh sản phẩm, làm mới thương hiệu, mở rộng thị trường.

Nhờ sự nỗ lực không ngừng, nhiều doanh nghiệp đã vượt thoát khủng hoảng, vững bước đi lên. Đặc biệt, mới đây tại TPHCM, nhiều doanh nghiệp đã được tuyên dương vì những nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt nghĩa vụ nộp thuế. Đó là những tín hiệu đáng mừng.

Theo các chuyên gia kinh tế, tình hình kinh tế vĩ mô trong thời gian tới còn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Tại diễn đàn Quốc hội những ngày qua, một số đại biểu đã đưa ra một số giải pháp nhằm gỡ khó nền kinh tế, trong đó có đề xuất tăng tổng cầu, nâng mức bội chi… Trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô đang đối diện với nhiều khó khăn như hiện nay, điều quan trọng là phải kết hợp linh hoạt nhiều giải pháp, với tính khả thi cao, phù hợp với thực tiễn để từng bước tháo gỡ khó khăn.

Nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ còn tiếp tục bất ổn trong thời gian tới. Nhưng ở một số quốc gia, đã có những tín hiệu cho thấy sự nỗ lực vượt thoát khủng hoảng. Ngay trong khu vực châu Á, Nhật Bản với hàng loạt giải pháp như hạ giá đồng yên, tăng cường sản xuất trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu… đã tạo xung lực mới cho nền kinh tế. Myanmar với chính sách mở rộng cửa thu hút đầu tư nước ngoài đang trở thành điểm đến của các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, những tín hiệu đó chắc chắn sẽ tạo niềm tin và cả sự hứng khởi đối với các nhà đầu tư trong nước.

Cơ hội vẫn còn, thậm chí còn nhiều, đó là khẳng định của những nhà đầu tư lão luyện. Tìm thấy cơ hội trong khó khăn, thậm chí trong sự thất bại luôn là thách đố lớn đối với các nhà đầu tư. Việc các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư hàng ngàn tỷ đồng vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua cho thấy: các nhà đầu tư nước ngoài xác định được cơ hội ngay khi không ít nhà đầu tư trong nước tỏ ra lo lắng! Bản lĩnh và khả năng phân tích chuẩn xác là thứ không thể thiếu của những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Do vậy, bao giờ kiểu đầu tư theo tâm lý bầy đàn còn tồn tại trên thị trường chứng khoán, chúng ta còn dễ dàng chuốc lấy sự thất bại như đã từng thất bại trong nhiều năm qua.

Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp cần nỗ lực xây dựng lại hình ảnh, phát triển thương hiệu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Cùng với các giải pháp đang dần đi vào cuộc sống, nhà nước cần tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường thu hút và giải ngân các dự án đầu tư vốn trực tiếp nước ngoài (FDI); đẩy mạnh xuất khẩu… nhằm tạo lực đẩy tổng hợp đưa nền kinh tế vượt khó, đi vào ổn định và phát triển. Lối ra - tuy hẹp và không ít chông gai, nhưng không quá xa nếu biết nỗ lực vượt khó.

TÔ ĐÌNH TUÂN

Tin cùng chuyên mục