Trước mỗi mùa tuyển sinh, các trường trung cấp nghề (TCN), trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) trong cả nước lại kêu cứu, than thở vì chiêu sinh khó, không đạt chỉ tiêu. Mùa tuyển sinh năm nay, những cụm từ “ảm đạm”, “èo uột”, “thoi thóp” lại được nhắc đến với nỗi niềm u ám hơn. Vì sao hầu hết học sinh có lực học yếu, trung bình, kể cả trượt lớp 10, không đậu đại học (ĐH) tiếp tục quay lưng với trường nghề?
Không thể trách người học, trách giới trẻ vì chính sách tuyển dụng của xã hội vẫn trọng dụng bằng cấp và có bằng ĐH sẽ được xếp bậc lương cao hơn trung cấp. Chính mác có bằng cử nhân, kỹ sư - “làm thầy” cũng oai hơn trung cấp - “làm thợ” đã khiến xã hội có nhãn quan chọn nghề lệch hướng, không xuất phát từ năng lực, đam mê. Hơn nữa việc mở trường CĐ, ĐH tràn lan và cho phép đào tạo đa cấp từ sơ cấp đến trung cấp, CĐ, ĐH trong các trường ĐH đã gián tiếp “giết” trường TCN, TCCN khi họ vét hết nguồn tuyển sinh. Như vậy lỗi tại ai, nếu không chỉ thẳng là do Bộ GD-ĐT đã tạo ra cơ chế xin cho, cho phép đào tạo đa cấp từ sơ cấp, đến trung cấp, CĐ tại các trường ĐH. Việc phân luồng học sinh nói thì hay và trên các văn bản luôn rổn rảng con số sẽ thu hút 15% - 30% học sinh THCS, THPT vào học trong hệ thống giáo dục chuyên nghiệp, nhưng rốt cục vẫn “đầu voi đuôi chuột”.
Chẳng thể trách cứ người học không mặn mà với con đường học nghề khi môi trường học nghề ít hấp dẫn và ra trường khó kiếm việc làm vì đào tạo kém chất lượng. Chỉ có khoảng trên 50% học sinh học nghề, TCCN có việc làm và để sử dụng được, doanh nghiệp phải đào tạo lại. Hơn nữa nhìn thấy tấm gương những người thợ cả, thợ bậc cao cần mẫn với nghề, cống hiến cho xã hội chưa được trọng dụng, tôn vinh, họ cũng nhụt chí. Trong khi đó, nhìn sang các nước tiên tiến, công nghiệp phát triển, việc phân luồng học sinh thực hiện rất hiệu quả - từ bậc học THCS, học sinh đã được định hướng chọn nghề, đi tiếp lên bậc THPT theo đúng năng lực.
Trong xu thế hội nhập và cạnh tranh gay gắt, quốc gia nào có nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là có đội ngũ công nhân kỹ thuật, kỹ thuật viên giỏi nghề, có kỹ năng cao thì họ sẽ có lợi thế về cạnh tranh, năng suất lao động vượt trội, tạo giá trị gia tăng cao. Còn ở nước ta nhìn tổng thể cỗ máy dạy nghề đang chạy với tốc độ “ì ạch”, lệch pha, không theo kịp chuẩn trình độ nghề trên thế giới. Không những thế, chất lượng đào tạo thấp, cơ cấu ngành nghề bất hợp lý, nhất là quy mô khối ngành kỹ thuật công nghệ thấp hơn nhiều so với nhu cầu phát triển sản xuất…
Với những dị dạng, khuyết tật này, nếu không nhanh chóng đổi mới, tạo đột phá nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, kỹ thuật cao thì chúng ta tiếp tục tụt hậu, khó hội nhập với quốc tế. Nhưng với một cơ thể suy yếu, thiếu thống nhất trong quản lý, nguồn lực đầu tư… bị chia cắt bởi hai Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB-XH như hiện nay, hệ thống giáo dục nghề nghiệp làm sao có thể “lột xác”? Cùng một địa bàn dân cư từ vùng sâu vùng xa đến TP nhưng mạnh ai nấy mở trường nghề, trường TCCN, trung tâm dạy nghề. Cùng đào tạo nghề, kỹ năng thực hành như nhau và ra trường cũng làm thợ nhưng cơ chế tuyển sinh liên thông lại khác nhau. Cụ thể các trường TCCN thuộc Bộ GD-ĐT thì học sinh có cơ hội học liên thông lên bậc học cao hơn, ngược lại các trường TCN thuộc Bộ LĐTB-XH thì không có cửa liên thông. Thật là khó hiểu (!?).
Chính việc quản lý chồng chéo, thiếu thống nhất, mạnh ai nấy làm đã khiến hệ thống giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam trì trệ, chậm phát triển. Để thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp thì việc làm đầu tiên là phải gom hệ thống này về một mối để quản lý thống nhất, quy hoạch đầu tư phát triển bài bản, theo sát yêu cầu của xã hội. Tiếp đó cần phải có động thái tích cực xoay chuyển tâm lý, hướng người học đến với trường TCN, TCCN bằng chính sách tuyển dụng, đãi ngộ, trả lương hợp lý. Khi xã hội quan tâm, có nhiều động thái quảng bá cho trường nghề, tôn vinh những người thợ giỏi nghề, những bàn tay vàng… thì hiệu ứng chọn nghề, yên tâm gởi gắm niềm tin, đam mê ở trường nghề mới lan tỏa thật sự.
HÀ KHANH