Lòng dân là điểm tựa phát triển

Lòng dân là điểm tựa phát triển

“Chăm lo đời sống nhân dân, nhất là đối với người nghèo, gia đình chính sách luôn là nỗi trăn trở của Đảng bộ, chính quyền TPHCM. Xây dựng Đảng bộ, chính quyền TPHCM trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh phát triển kinh tế không ngoài mục đích phục vụ nhân dân TP ngày càng tốt hơn. Đó là ý Đảng, lòng dân mà lòng dân là điểm tựa phát triển. Trong thời kỳ TPHCM chịu ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới cho thấy rõ, lòng dân là động lực giúp TPHCM vượt qua khó khăn và thách thức” - Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải đã nói chuyện với cán bộ TP vào đầu năm nay, nhấn mạnh như vậy.

Xác định mũi nhọn

Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, TPHCM gặp nhiều khó khăn, đặc biệt phải chịu tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng kinh tế TPHCM tiếp tục phát triển, giữ được tốc độ tăng trưởng khá cao, xứng đáng với vị trí, vai trò một trung tâm kinh tế (KT) của cả nước. Thành tựu này có được là nhờ sự chuyển dịch cơ cấu KT đúng định hướng, qua đó thể hiện bước tiến mới về năng lực lãnh đạo của Thành ủy TPHCM và công tác quản lý, điều hành của UBND TP. Thể hiện rõ xu hướng lấy dịch vụ và công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng làm nền tảng phát triển. Khu vực dịch vụ tăng trưởng nhanh và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, khu vực công nghiệp - xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng chậm hơn khu vực dịch vụ và tỷ trọng ngày càng giảm, còn khu vực nông nghiệp vẫn giữ mức ổn định trong nền KT.

Điều này cho thấy KT TP đang chuyển dần sang xu hướng nền KT của đô thị phát triển theo hướng hiện đại (ở các nước công nghiệp phát triển, tại các đô thị lớn hiện đại, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng bình quân trên 60% cơ cấu KT). TPHCM tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và tập trung triển khai các dự án đầu tư vào các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, 9 nhóm ngành dịch vụ chất lượng cao và 4 nhóm ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.

Vượt qua “dông bão”

Trong lúc tốc độ KT TPHCM trên đà tăng trưởng cao, tháng 9 năm 2008 cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra, ảnh hưởng nặng nề tới nền KT nước ta nói chung và TPHCM nói riêng. Kinh tế TP từ quý 4-2008 bị suy giảm mạnh và trong những tháng đầu năm 2009 có dấu hiệu trì trệ. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn quý 1-2009 chỉ tăng 4%, là mức tăng thấp nhất trong 10 năm gần đây.

Trước tình hình này, ngay từ đầu năm 2009, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã chỉ đạo các cấp chính quyền TP bám sát tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (DN), chủ động tháo gỡ khó khăn, nhằm hạn chế đà suy giảm tăng trưởng; đồng thời, nắm bắt kịp thời các chủ trương, giải pháp của Trung ương để đề ra nhiều biện pháp cụ thể, sáng tạo cho TP.

Tại hội nghị Thành ủy diễn ra đầu năm 2009, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải nêu phương châm hành động: “Biến thách thức thành thời cơ!”. TP coi giảm phát là thời cơ chuyển dịch cơ cấu và cấu trúc nền kinh tế; các DN có điều kiện đổi mới thiết bị công nghệ và đây cũng là thời cơ hội để TP đào tạo và đào tạo lại lao động thất nghiệp và ít việc. Việc TP mở rộng thị trường nội địa, tăng cường nội tiêu (với cả sản xuất và tiêu dùng) không chỉ là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, mà là hướng phát triển quan trọng trong quá trình xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ.

Thị trường nội địa là điểm tựa để các DN vươn lên trong cạnh tranh, nơi các DN của TP có lợi thế hơn so với thị trường nước ngoài và hoạt động theo phương châm thị trường trong nước là cơ sở, thị trường nước ngoài là quan trọng trong chiến lược kinh doanh của các DN. Chính những lúc khó khăn như thế, TPHCM càng thể hiện sự năng động, sáng tạo, phát huy tối đa nội lực, coi nội lực là yếu tố quyết định. Kinh nghiệm của TPHCM để vượt qua “dông bão” là thực hiện chủ trương kích cầu đầu tư và tiêu dùng, cộng đồng DN và nhân dân luôn có vai trò quyết định.

Nhờ các biện pháp kịp thời và triển khai đồng bộ, quyết liệt, KT TP từ tháng 3-2009 đã có dấu hiệu phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng, các ngành KT đã bắt đầu chuyển biến theo hướng tích cực. GDP trên địa bàn quý 2-2009 tăng 5,2%; quý 3 tăng 8,5%; riêng quý 4 tăng 10,2%, nâng mức bình quân của năm 2009 tăng 8%. Tốc độ phục hồi KT tuy còn chậm, nhưng trong bối cảnh tình hình chung thế giới và cả nước, KT TP đã đạt được những kết quả rất có ý nghĩa. Quý 4-2009 KT TP đã đạt tốc độ tăng trường bằng quý 4-2008 và ước cả năm 2010 đạt 11,5%. Kết quả trên một lần nữa thể hiện bước tiến mới về năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, trình độ dự báo và khả năng phản ứng trước tình hình của Đảng bộ và chính quyền TPHCM.

Mục tiêu xuyên suốt

Đảng bộ TPHCM có chủ trương rất đúng đắn khi coi nâng cao chất lượng sống của người dân là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển KT-XH. Do vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, TPHCM vẫn bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, nhất là đồng bào nghèo, gia đình chính sách và người lao động. 5 năm qua, TPHCM giải quyết việc làm cho 1,34 triệu lượt người, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 267.000 lao động, vượt 16,1% so với chỉ tiêu.

Chương trình xóa đói giảm nghèo của TP đã chuyển sang giai đoạn 3 (2009-2015), nâng mức hộ nghèo theo tiêu chí 12 triệu đồng/người/năm và khả năng cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo còn 6,41%. Đáng chú ý, chương trình nhà ở được TP chọn là 1 trong 5 chương trình đòn bẩy, đã có nhiều chuyển biến tích cực trong nhiệm kỳ qua. Từ năm 2006 đến nay, tổng diện tích sàn nhà ở của TP đạt 33,34 triệu m², trung bình mỗi năm TP đã xây dựng 6,67 triệu m², vượt 4% so với chỉ tiêu 32 triệu m² đề ra. Dự kiến cuối năm 2010, diện tích nhà ở bình quân người dân TPHCM đạt 14,3m²/người, vượt chỉ tiêu 14m²/người đề ra trong kế hoạch 2006-2010.

Sức sống ở một khu dân cư mới tại quận 7, TPHCM. Ảnh: THÁI BẰNG

Sức sống ở một khu dân cư mới tại quận 7, TPHCM. Ảnh: THÁI BẰNG

Với chủ trương xã hội hóa xây dựng nhà ở công nhân, đến cuối năm 2009, tổng diện tích sàn đạt 1,3 triệu m², vượt chỉ tiêu đến năm 2010 là 1 triệu m², đáp ứng khoảng 433.000 chỗ ở. Đó là chưa kể 9 dự án nhà lưu trú công nhân đang được xây dựng đáp ứng chỗ ở cho 24.000 người; tạo quỹ đất 48 ha xây nhà lưu trú; 5 ký túc xá đang xây dựng có thể đáp ứng chỗ ở cho 106.744 sinh viên, chiếm khoảng 46% tổng số sinh viên từ các tỉnh về TP học tập.

Nhờ gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với cải thiện đời sống người dân, tăng cường dân chủ, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội dần được thu hẹp, GDP bình quân đầu người ở TPHCM năm 2010 ước đạt 2.800 USD, bằng 1,68 lần so với năm 2005 (1.660 USD).

Từ năm 2006, tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đã cao hơn khu vực công nghiệp (năm 2006 khu vực dịch vụ tăng 13,7%, công nghiệp tăng 10,5%; tương ứng năm 2007 là 13,6% và 11,8%; năm 2008 là 12% và 9,5%; năm 2009 là 10% và 6,9%). Do vậy, cơ cấu TP đã chuyển dịch đúng hướng và hiệu quả hơn. Dự kiến cuối năm 2010, dịch vụ chiếm tỷ trọng 54%, công nghiệp chiếm 44,8%, nông nghiệp chiếm 1,2% (theo kế hoạch đề ra tỷ trọng các ngành lần lượt là 50,6% - 48,5% - 0,9%).

TUẤN SƠN

Tin cùng chuyên mục