Sau nhiều năm chuyển giao về Bộ LĐTB-XH, lĩnh vực dạy nghề vẫn ì ạch và phát triển chưa đúng tầm cũng như yêu cầu về phát triển nguồn nhân lực có tay nghề, kỹ thuật. Chính sự quản lý song trùng (Bộ GD-ĐT quản lý trường CĐ, trung cấp chuyên nghiệp, còn Bộ LĐTB-XH quản lý trường CĐ nghề, trung cấp nghề) đã tạo ra nhiều hệ lụy, chồng chéo, phân tán nguồn lực về tài chính, cơ sở vật chất trong giáo dục dạy nghề.
Lớp học điện tử tại Trường Cao đẳng Nghề TPHCM. Ảnh: Mai Hải
Đầu tư nhiều nhưng dạy nghề vẫn ì ạch…
Chuyện về phận long đong của dạy nghề không mới, nó âm ỉ nỗi niềm bị chia cắt, phân khúc kể từ ngày Tổng cục Dạy nghề được phân về Bộ LĐTB-XH cách đây 18 năm. Không thể phủ nhận giai đoạn trực thuộc Bộ LĐTB-XH, hoạt động dạy nghề cũng có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận.
Cụ thể, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng nhanh, cơ sở dạy nghề phát triển nhanh về số lượng, trong đó nhiều trường nghề được đầu tư thành trường trọng điểm, tạo sản phẩm dạy nghề đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Nhiều chương trình dạy nghề cho người nghèo, lao động nông thôn, xuất khẩu lao động… cũng góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, thực thi các chính sách xã hội hiệu quả. Theo nhiều chuyên gia giáo dục, dạy nghề, có sự bật dậy này là nhờ nguồn lực tài chính từ ngân sách, vốn vay ODA… tập trung đầu tư cho lĩnh vực dạy nghề dồi dào, nếu không muốn nói là “khủng”.
Tuy nhiên, do phát triển nóng về quy mô nhưng thiếu quy hoạch, thiếu gắn kết với nhu cầu thị trường lao động nên mạng lưới này đang kêu cứu vì hoạt động èo uột, không tuyển sinh được. Đau lòng hơn là ở nhiều địa phương vì chạy theo số lượng - xây trường nghề, trung tâm dạy nghề tràn lan nhưng thiếu người học nên bỏ hoang rất lãng phí.
Tại TPHCM nơi có hàng trăm cơ sở dạy nghề gồm trường trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề và các trường ĐH có dạy nghề nhưng khai thác không hết công suất đào tạo vì tuyển sinh khó, đầu ra teo tóp. Nếu thống nhất quản lý hệ thống giáo dục nghề nghiệp và quy hoạch nó gắn với nhu cầu của thị trường lao động thì sẽ phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật, tay nghề cho TPHCM.
Ắch tắc trong liên thông
Sự quản lý song trùng đã làm mất đi tính chỉnh thể của hệ thống giáo dục - đào tạo, gây trở ngại cho công tác phân luồng học sinh, liên thông trong toàn hệ thống giáo dục quốc dân. Hàng năm tỷ lệ học sinh được phân luồng vào các trường trung cấp nghề thấp là do ngành lao động không thể can thiệp vào các trường phổ thông để thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp vì hệ thống này do ngành GD-ĐT quản lý.
Không chỉ ách tắc trong liên thông giữa dạy nghề và giáo dục đại học, thực tế “một cơ thể nhưng có hai cái đầu điều hành” này cũng gây khó khăn trong hợp tác về giáo dục - đào tạo, đàm phán quốc tế, công nhận văn bằng chứng chỉ quốc gia… Đó là chưa kể rào cản này đang gây khó cho các trường đào tạo đa hệ - vừa dạy nghề lẫn đào tạo hệ TCCN, CĐ, ĐH thì phải chịu sự quản lý chồng chéo của hai bộ với nhiều văn bản quy định khác nhau.
Ông Nguyễn Thành Hiệp, nguyên Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐTB-XH TPHCM, cho biết, Luật Giáo dục nghề nghiệp ra đời đã quy định thống nhất quản lý về giáo dục nghề nghiệp, trong đó tất cả các trường nghề, phải nhập vào một hệ thống chung để phát triển. Vấn đề đặt ra là quản lý hệ thống dạy nghề này như thế nào để gắn đào tạo với sử dụng lao động - đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong nước cũng như hội nhập quốc tế về trình độ, kỹ năng nghề và công nghệ tiên tiến.
TS Lưu Đức Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM cho rằng: Tổng Cục Dạy nghề nên tách riêng ra và trực thuộc Chính phủ là hợp lý nhất. Nó sẽ là cơ quan phát triển độc lập, tự chủ và thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp theo Luật Giáo dục nghề nghiệp. |
KHÁNH BÌNH