Khi tình hình bóng đá đỉnh cao TPHCM đang có nguy cơ trở thành “vùng trắng” vì giải V-League lẫn hạng nhất hiện chỉ còn một đại diện duy nhất, LĐBĐ TPHCM đưa ngay định hướng: phát triển phong trào, tập trung cho bóng đá học đường. Hầu như không đề cập gì đến khía cạnh đỉnh cao. Một loạt môn thể thao thế mạnh vẫn loay hoay tìm hướng đi dù sự sa sút đã được đề cập suốt 2 năm qua. Không khó để nhận thấy, nguyên nhân nằm ở khâu đào tạo không đạt hiệu quả, tính xã hội của các liên đoàn không được phát huy.
Đã có một loạt giải pháp được đưa ra nhưng vẫn chờ thời gian trả lời trong khi phong trào càng lúc càng èo uột. Thể thao TPHCM giờ đây không có môn nào là thế mạnh, dù chỉ mới mươi năm trước, có đến gần chục môn khác nhau gần như giữ vị thế độc tôn cả nước.
Điều đáng nói là trong khi thể thao TPHCM hiện vẫn chưa tìm ra hướng đi thì một loạt địa phương khác lại dang tay nhận lấy các tài năng thể thao của thành phố về “làm của riêng”. Bằng những cách làm riêng, rất có trọng tâm, một loạt địa phương nổi lên như là chiếc nôi đào tạo các VĐV đỉnh cao có thể vươn đến tầm thế giới. Trong khi đó, sở hữu một hệ thống cơ sở vật chất đáng mơ ước nhưng TPHCM thành tích đỉnh cao lại không tỷ lệ thuận đi cùng. Thậm chí, số lượng giải đấu quốc gia và quốc tế tại TPHCM ngày một “biến mất” hoặc “sống èo uột”.
Đến thời điểm này, phải khôi phục lại nền tảng phong trào là việc nên làm, dù đã muộn. Tuy nhiên, với một thành phố lớn như TPHCM, không thể không có chiến lược đầu tư cho thể thao đỉnh cao bởi nếu thiếu điều này, thật khó để hy vọng sự phát triển của phong trào. Minh chứng thấy rõ: bóng đá TPHCM hầu như không còn khả năng đào tạo cầu thủ như Trường Năng khiếu nghiệp vụ đã làm trước đây. Đơn giản vì đào tạo để cho ai khi mà bóng đá đỉnh cao chật vật duy trì mỗi đại diện duy nhất còn vất vả.
Xét ở khía cạnh vĩ mô, một thành phố lớn như TPHCM nhất thiết phải có thành tích đỉnh cao nổi trội. Đó là minh chứng cho sự sung túc và phát triển, là hiệu quả của quá trình đầu tư cơ sở vật chất và thể chất người dân, là sự quảng bá có tính biểu tượng cho hình ảnh của một thành phố năng động và văn minh. Trên cơ sở đó, buộc phải có một chiến lược dài hơi để đầu tư cho thể thao đỉnh cao chứ không chỉ là việc làm sao cho phong trào rộng khắp nhưng hoàn toàn không có hướng ra cho các VĐV chuyên nghiệp.
Thực trạng hiện nay cho thấy, thể thao đỉnh cao của TPHCM đang “long đong”. Cơ sở có sẵn nhưng kinh phí hạn chế. Nhiều nơi tập luyện nhưng ngay đến một trung tâm huấn luyện mang tính chất đặc biệt lại không có. Môn thể thao nào cũng có nhưng lại không có môn nào mang tính đặc thù của một thành phố hiện đại. Thậm chí, ngay đến việc tổ chức một sự kiện thể thao tầm vóc thế giới đối với TPHCM hiện nay cũng là bài toán nan giải.
Thể thao đỉnh cao TPHCM rất cần có một “nhạc trưởng” tài ba để định hướng và phát triển.
ĐĂNG LINH