Long đong... hạt muối Bạc Liêu

Long đong... hạt muối Bạc Liêu

Những ngày gần đây, giá muối ở tỉnh Bạc Liêu nhích lên được 600 đồng/kg muối đen và 1.000 đồng/kg muối trắng, bình quân tăng 200 đồng/kg so với những tháng đầu năm 2011. Hàng chục ngàn tấn muối tồn đọng đã được tiêu thụ. Tuy nhiên, diêm dân vẫn chưa vui bởi những khó khăn cứ mãi đeo bám cái nghề cơ cực này.

Đời sống diêm dân làm muối ở Bạc Liêu còn lắm khó khăn. Ảnh: HUỲNH LỢI

Đời sống diêm dân làm muối ở Bạc Liêu còn lắm khó khăn. Ảnh: HUỲNH LỢI

  • Ăn trước trả sau

Huyện Đông Hải là nơi sản xuất muối lớn nhất ở Bạc Liêu. Đến giữa tháng 8-2011, mặc dù vụ muối đã kết thúc gần 3 tháng, nhưng dọc các xã Điền Hải, Long Điền Tây, Long Điền Đông… muối vẫn còn nằm ụ khá nhiều.

Ông Trịnh Văn Thanh (Tư Thanh) ở ấp Bình Điền, xã Long Điền Tây, đưa chúng tôi ra cánh đồng muối rộng hàng trăm hécta đang trong giai đoạn “làm đất” chờ sản xuất vụ mới. Ông chỉ 320 tấn muối thu hoạch hồi đầu năm nhưng tới nay chưa bán hột nào. “Năm nay muối rẻ quá, tính ra không lời nên chẳng bán làm gì. Thu hoạch được bao nhiêu trữ hết bấy nhiêu, hiện tại giá muối có tăng nhưng còn thấp nên chưa bán, phải chờ giá khoảng 1.000 – 1.500 đồng/kg mới giải phóng toàn bộ” - ông Thanh nói.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, trong hơn 80.000 tấn muối tồn đọng hồi quý 2-2011, đến nay đã tiêu thụ được 40.000 tấn. Riêng 40.000 tấn còn lại chủ yếu thuộc những hộ có điều kiện kinh tế khá, hộ thu mua dự trữ… nên chưa ai vội bán vì dự báo giá muối còn tiếp tục tăng. Tuy nhiên, số hộ làm muối ở Bạc Liêu có “số má” để trữ muối rất ít, đa phần khó khăn nên đã bán sớm lúc giá thấp.

Ấp Bình Điền có hơn 40 hộ sống nhờ nghề muối nhưng chỉ có 2 hộ khá, 38 hộ còn lại thuộc dạng “ăn trước trả sau”. Ông Tư Thanh cho rằng, để sống được bằng nghề muối, nhiều năm qua ông chịu cực - chịu khổ bám chặt đồng muối “bán lưng cho trời - bán mặt cho nước biển mặn chát”, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Nhiều người không hiểu cứ ngỡ nghề muối dễ làm, chỉ cần bơm nước biển lên ruộng - chờ nắng kết tinh thành muối? Thực tế không đơn giản như vậy, cần phải am tường kỹ thuật, lúc nào cần thay nước, lúc nào cần sang ao… Đồng thời theo dõi chặt thời tiết, nếu nắng nóng thì tranh thủ cho muối kết tinh, còn sắp mưa phải nhanh chóng thu hoạch sớm để tránh thiệt hại. 40 năm trong nghề, ông Tư Thanh được mệnh danh là “vua muối” ở xứ biển Gành Hào, với năng suất luôn đạt cao hơn những hộ khác 20 - 30 tấn/ha. Tuy nhiên, để ổn định kinh tế, ông không dựa hẳn vào nghề muối mà làm thêm những nghề khác và phát triển 2 ha tôm sú nhằm tăng thu nhập.

Anh Nguyễn Văn Thế, cũng ở ấp Bình Điền, tâm sự: “Dân ở đây ai cũng học cách làm của ông Tư nhưng không theo được do không có thu nhập gì khác ngoài hạt muối. Thử nghĩ xem, 2 ha muối mỗi năm thu được 100 – 120 tấn, giá bán đầu vụ chỉ 400 đồng/kg, tổng thu hơn 40 triệu đồng, trừ các khoản chi phí còn lời được 15 triệu đồng. Một gia đình bình quân 4 - 5 nhân khẩu làm sao đủ sống cả năm với vỏn vẹn 15 triệu đồng”. Anh Thế thừa nhận, hầu hết dân làm muối đều thiếu nợ và chuyện “ăn trước trả sau” diễn ra phổ biến. Ở vùng muối Bạc Liêu thường xảy ra chuyện “bán muối non”.

Ông Trịnh Văn Quới, xã Long Điền Tây, thừa nhận, gần 30 năm làm muối nhưng nghèo vẫn cứ nghèo. Đầu vụ ra đồng, đến hết vụ về nhà và hàng chục tấn muối cũng hết theo, bởi thiếu tiền nên bán sớm lúc giá còn rẻ.

  • Đổi đời diêm dân - khi nào?

Theo ông Tư Thanh, muối là nghề cực nhất trong những nghề cơ cực ở nông thôn. Suốt 6 tháng làm muối, hầu như ngày nào cũng phải ra đồng, thậm chí 3 ngày tết cũng không được nghỉ. Tội nhất là những phụ nữ vác muối giữa trưa vừa nóng vừa mặn, mỗi cần xé 35 kg muối chỉ được trả công 1.000 đồng.

Đem những vất vả của nghề muối trao đổi với ngành chức năng, ông Phan Minh Quang, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Toàn tỉnh có khoảng 3.000 ha muối với hơn 1.300 hộ trực tiếp canh tác, sản lượng mỗi năm dao động 100.000 - 150.000 tấn. Nếu như vụ muối năm 2009 - 2010 trúng mùa, sản lượng đạt kỷ lục 266.000 tấn, thì vụ muối năm 2010 - 2011 vừa qua do mưa trái vụ kéo dài làm thất mùa, sản lượng chỉ được 100.000 tấn. Buồn nhất đối với diêm dân là giá muối rớt thê thảm và khó tiêu thụ khiến đời sống bà con đã khó càng khó hơn. Trước tình hình trên, tỉnh đã chi trên 3 tỷ đồng (tương đương 1 triệu đồng/ha muối), nhằm chia sẻ khó khăn cùng diêm dân”.

Cũng theo ông Quang, nghề muối ở Bạc Liêu tồn tại trên 100 năm nhưng cư dân xứ biển chưa thể giàu lên từ muối. Nguyên nhân là do diện tích canh tác của từng gia đình ít, giá cả bấp bênh, khâu tiêu thụ còn bất cập và nhiều lý do khác.

Quan điểm của Bạc Liêu là giữ nghề muối truyền thống, nếu không tăng được diện tích thì cố gắng ổn định 2.500 - 2.800 ha, phấn đấu đến năm 2015 chuyển sang 50% diện tích làm muối trắng chất lượng cao. Theo đó, tỉnh sẽ quy hoạch lại đồng muối, đầu tư cơ sở hạ tầng, thủy lợi, chuyển giao khoa học kỹ thuật để tăng năng suất và chất lượng, hỗ trợ diêm dân áp dụng trải bạt để sản xuất muối trắng, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu sản phẩm.

Ông Tư Thanh cho rằng, trải bạt sản xuất muối trắng là hướng đi đúng để phát triển bền vững nghề muối. Vụ rồi ông áp dụng trải bạt đưa năng suất lên mức 110 - 120 tấn/ha, tăng rất cao so với làm bình thường. Ai cũng biết sản xuất muối trắng là tốt nhưng ngặt nỗi vốn đầu tư trải bạt quá lớn (trên 50 triệu đồng/ha), trong khi đa phần diêm dân đều nghèo nên không làm được. Mong muốn của diêm dân là đề nghị các công ty chế biến kinh doanh muối đầu tư trải bạt, sau đó bà con “trả lại” bằng muối. Đây là giải pháp có lợi cho cả doanh nghiệp và diêm dân. Dù vậy, mong muốn này vẫn khó thực hiện bởi chẳng doanh nghiệp nào chịu bỏ vốn đầu tư.

Ông Tư Thanh nói buồn: “Nghề muối quá cơ cực và luôn đối mặt với nhiều rủi ro về thời tiết, giá cả… Vậy mà nhiều năm qua nhà nước đầu tư cho nghề muối ít quá, thậm chí còn cho các doanh nghiệp nhập muối ngoại khiến diêm dân lúc nào cũng bất an. Sau vụ muối thất bát năm nay, không chỉ Bạc Liêu, nhiều nơi khác sẽ có không ít hộ phá bỏ ruộng muối chuyển nghề. Chỉ riêng ấp Bình Điền đã có 4 hộ vừa phá bỏ hơn 10 ha muối đào ao nuôi tôm sú...

Huỳnh Phước Lợi

Tin cùng chuyên mục