“Lòng tốt dễ lây” - chiến dịch được UNICEF Việt Nam và Bộ Y tế phát động, đang nhận được nhiều quan tâm của các bạn trẻ thông qua các hashtag #long_tot_de_lay để truyền đi những thông điệp tốt đẹp và lạc quan, lan tỏa sức mạnh niềm tin để cùng cộng đồng vượt qua dịch Covid-19.
Việc tốt thường ngày
Với nhiều người, đôi khi là những khái niệm lớn lao - bỏ nhiều tiền và thời gian để làm từ thiện đó mới là lòng tốt. Không hẳn vậy, lòng tốt bắt nguồn từ những việc đơn giản hàng ngày. Đặc biệt, giá trị thiết thực của lòng tốt không chỉ nằm ở số tiền bạn mang đi làm từ thiện mà còn là cách làm, duy trì và lan tỏa lòng tốt như thế nào, để có thể giúp được nhiều người hoặc chí ít khơi gợi được những niềm tin tốt đẹp trong cộng đồng.
Sự ảnh hưởng lớn của mạng xã hội trong đời sống hiện tại, mỗi bài viết hay chia sẻ với nội dung tử tế cũng là một việc làm tốt. Tận dụng mặt tiền quán cà phê, thuận tiện người qua lại để phát khẩu trang, trực tiếp hướng dẫn mọi người đeo khẩu trang đúng cách, Ngô Thị Thanh Lan (25 tuổi, ngụ quận 7) còn đăng tải nhiều video phòng chống dịch bệnh trên fanpage quán cà phê, để mọi người dùng mạng xã hội theo dõi.
Trước đây, Lan chủ yếu phát gạo và một số nhu yếu phẩm vào ngày rằm trong tháng cho người lao động khó khăn. Từ khi dịch bệnh đến nay, Lan vẫn duy trì một kệ phát khẩu trang phía trước quán cà phê của gia đình. Thanh Lan chia sẻ: “Quán cà phê tôi mở ba năm, ông xã khá chăm chút nên fanpage gần 10.000 lượt theo dõi, lượt like và chia sẻ thông tin khá nhanh. Mỗi ngày, ngoài đăng bài viết về quán, ông xã tôi tranh thủ đăng thêm bài viết về cách phòng chống dịch, từ báo chính thống để mọi người đọc, không bị hoang mang trước tin giả”.
Cùng nhóm bạn với Lan, Nguyễn Thủy Tiên (25 tuổi, ngụ quận 2) cũng tranh thủ tiếp thêm khẩu trang và nước rửa tay khô để bạn mình duy trì hoạt động. Bên cạnh đó, Tiên còn tổ chức nấu và phát các suất cơm miễn phí vào thứ bảy, chủ nhật mỗi tuần tại quán cà phê của Lan để chia sẻ nhiều hơn với bà con khó khăn.
“Thấy bạn làm, tôi ủng hộ, rồi hai đứa ngồi lại với nhau tính thêm chuyện phát cơm vào cuối tuần. Vì quán cà phê của bạn tôi được cái mặt tiền thuận tiện nhiều người qua lại, quanh đó cũng nhiều bà con lao động khó khăn, nên mình tranh thủ phát khẩu trang, nước rửa tay hay cơm vào cuối tuần thì mọi người dễ tới nhận. Hiện tại, tôi và nhóm bạn cũng kêu gọi thêm trên mạng xã hội, để ai có lòng thì đóng góp. Đợt đóng góp đầu tiên đã xong, cuối tháng này chúng tôi dự định phát thêm mì với gạo cho mọi người”, Tiên cho hay.
Lạc quan cũng là sức mạnh
Thành lập và quản lý một nhóm chia sẻ kinh nghiệm tìm việc làm liên quan đến các ngành nghề kỹ thuật, máy tính và ô tô, hơn một tuần nay, Hồ Thanh Nhân (26 tuổi, nhân viên lập trình, ngụ quận Gò Vấp) tích cực chia sẻ các link tuyển dụng công việc nhiều hơn. Nhân cho biết: “Qua đợt dịch này, nhiều bạn bị ảnh hưởng công việc, nên tôi chia sẻ các trang tuyển dụng để ai có nhu cầu thì đăng ký. Thời buổi này, tuyển dụng online cũng nhiều chuyện khó đỡ, nên tôi lựa các trang uy tín thì mới chia sẻ; nhóm bây giờ cũng hơn 20.000 người theo dõi, nên mình chia sẻ thông tin gì cũng phải chọn lọc, nếu không đúng thì ảnh hưởng nhiều người lắm”.
Bản thân cũng rơi vào cảnh mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng Nhân vẫn lạc quan khi nói về chuyện tìm việc. “Tình hình chung, ai cũng bị ảnh hưởng chứ không phải riêng mình tôi, nên không phải quá buồn hay hoang mang. Mấy bữa nay, tôi cũng gửi CV đến hai công ty khác rồi, đang chờ phỏng vấn, còn một số dự án làm tự do bên ngoài vẫn duy trì, nên chuyện chi tiêu cũng không có gì quá khó khăn”, Nhân cho hay.
Cũng chịu cảnh mất việc do ảnh hưởng của dịch bệnh, Trương Văn Dũng (24 tuổi, nhân viên sửa chữa ô tô, ngụ quận Tân Phú) nhanh chóng tìm việc bảo vệ tạm thời để duy trì thu nhập. “Mấy đứa bạn tôi mất việc ở nhà nằm lên nằm xuống, rồi lại than vắn thở dài, tôi nghĩ chuyện không có gì phải quá bi quan như vậy. Dù mất việc nhưng tôi vẫn được trả lương và chế độ đầy đủ cũng là một may mắn rồi, mình không phải thiếu hụt tiền bạc, từ từ tìm chỗ làm khác thôi”.
Khi guồng máy kinh tế dần khôi phục lại sau những ảnh hưởng của dịch bệnh, dù công việc, thu nhập có bị ảnh hưởng hay không, giữ cho bản thân một tinh thần lạc quan và thái độ sống tích cực là điều cần thiết.