Những hoạt động quảng bá, mua bán, môi giới trên internet do thiếu kiểm soát của các cơ quan chức năng dẫn đến các biến tướng lừa đảo, thu phí bất hợp pháp. Một thị trường mới: môi giới, kinh doanh không thuế diễn ra rầm rộ, phải chăng do công tác quản lý, quy định pháp luật chưa theo kịp?
Thật - giả, lừa lọc...
“Search” trên mạng tìm mua chiếc iPad, tôi tìm thấy trang web bán hàng trực tuyến với khẩu hiệu “giảm 60% nhân dịp khai trương showroom mới” với giá khá hấp dẫn: iPad 3 Wifi 4G - 64 GB giá chỉ 6,5 triệu đồng, nếu 32 GB giá chỉ 6 triệu đồng; chiếc iPhone 4S - 64 GB giá chỉ 5,5 triệu đồng, 32 GB giá chỉ 5 triệu đồng… Tôi liền điện ngay vào số điện thoại trên đầu trang web: 0929.224.227 (Mrs Linh) và 0926.597.697 (Mrs Hải) thì được một cô gái giọng miền Trung hỏi: “Chị ở đâu?” - “Ở quận 10, TPHCM”, tôi trả lời.
Cô ấy cho biết công ty ở TPHCM hết thời gian khuyến mãi, hiện chỉ còn chi nhánh miền Trung giảm giá thôi. Nếu tôi muốn mua giá rẻ thì cứ chuyển khoản xong, chi nhánh miền Trung sẽ gởi hàng vào. Tôi hỏi vậy tôi muốn xuất hóa đơn làm thế nào, cô ấy nói là hàng giảm giá nên không xuất hóa đơn, tôi hỏi tên công ty thì cô… cúp máy.
Tương tự, anh Khương Bá Luận ở Thanh Hóa cũng điện thoại cho cô Linh ở số điện thoại trên. Cô ấy yêu cầu anh phải chuyển 50% số tiền 2,5 triệu đồng công ty mới chuyển hàng. Dù giới thiệu công ty nhưng cô yêu cầu phải chuyển tiền vào tài khoản của giám đốc công ty. Ngày 20-8, vợ anh Luận đã chuyển tiền theo yêu cầu nhưng không thấy giao hàng, anh điện thoại cho cô Linh thì cô thông báo công ty yêu cầu anh phải chuyển đủ 100% số tiền mới giao máy.
Ngày 22-8, anh chuyển tiếp 2,5 triệu đồng nữa. Sau đó, anh gọi đến số máy cô Linh thì máy không liên lạc được. Anh điện thoại vào số máy của người tên Hải được quảng cáo trên web, vừa nghe giọng anh Luận là đầu bên kia vội cúp máy.
Để tìm hiểu rõ sự việc, tôi tìm đến địa chỉ công ty nêu trong trang web ở đường Lạc Long Quân, phường 10, quận 11 thì được biết nơi đây chỉ là điểm rửa xe, không có cửa hàng hay công ty gì cả. “Nhà tôi rửa xe lâu nay, có bán iPhone, iPad gì đâu. Coi chừng bị lừa đó!” - chị chủ nhà nói. Tôi xác minh ở công an phường, phía công an cho biết đó là nhà của cán bộ, đảng viên, không có cửa hàng điện tử nào ở khu này cả. Như vậy số tiền 5 triệu đồng của anh Luận không biết đi về đâu…
Kinh doanh không thuế
Ngoài việc tạo các trang web bán hàng lừa đảo, trên thế giới mạng còn xuất hiện nhiều trang web bán hàng không ghi rõ công ty, đơn vị chủ quản. Chỉ cần vào Google tìm kiếm bất cứ sản phẩm gì là có hàng loạt trang không rõ nguồn gốc xuất hiện. Hầu hết những món hàng trên các trang web bán hàng qua mạng, ngay cả những trang có đăng ký kinh doanh thì chất lượng, nguồn gốc hàng hóa cũng không rõ ràng, không có bảo hành… Tuy nhiên, do ham rẻ nên rất nhiều người đặt mua để rồi… tiền mất tật mang!
Việc mua bán diễn ra rầm rộ khắp nơi nhưng cơ quan thuế hiện chưa có cơ chế, công cụ cũng như nhân sự để quản lý hoạt động kinh doanh mới này. Đối với doanh nghiệp, cơ quan thuế quản lý qua báo cáo thuế do doanh nghiệp “tự tính, tự khai”. Còn đối với những trang web bán hàng không đăng ký kinh doanh thì lọt lưới thuế! Do việc mua bán hiện nay chủ yếu dùng tiền mặt nên cơ quan quản lý nhà nước không thể theo dõi được hoạt động kinh doanh này.
Một số trang web khác cũng có cách kiếm tiền khá dễ, không phải bằng chuyển khoản hay tiền mặt mà qua tin nhắn. Chẳng hạn, khi một cá nhân muốn đăng một thông tin mua bán, rao vặt muốn được ưu tiên thì phải đăng ký nhắn một tin nhắn thu 3.000- 5.000 đồng. Những kiểu kinh doanh này có sự tiếp tay của tổng đài các mạng điện thoại vì họ đăng ký đầu số tổng đài tin nhắn rồi chia chác với nhau. Trong khi đó, việc khai báo, nộp thuế thế nào thì không có người quản lý thuế theo dõi.
Ngay hoạt động quảng cáo, những kiểu “móc túi” rất nghề của các trang mạng xã hội cũng chưa có cơ chế kiểm tra, giám sát, thu thuế. Nhiều trang web đăng quảng cáo cho khách hàng, cho đối tác nhưng không khai thuế, mà cơ quan thuế thì không có bộ phận theo dõi lĩnh vực này nên không thể phát hiện, truy thu thuế được. Thông tin trên mạng lại thường xuyên thay đổi nên cơ quan thuế không thể có được bằng chứng để xử lý.
Cụ thể như vụ Google vừa qua bị cơ quan thuế phát hiện có thu tiền của khách hàng nhưng đến nay vẫn chưa xử lý. Hoạt động thu phí ở trang này rất tinh vi. Ví dụ, khi doanh nghiệp, cá nhân có nộp phí khi truy cập gõ từ khóa thì những trang thông tin có phí sẽ được ưu tiên hiện lên hàng đầu. Đó là lý do rất nhiều thông tin được ưu ái đứng vị trí “tốp” năm này qua năm khác.
Sau thông tin mạng xã hội facebook bị cáo buộc trốn thuế ở Anh, lãnh đạo Cục Thuế TPHCM cho biết với những trang mạng xã hội này, ở Việt Nam chưa có cơ chế quản lý chặt chẽ. Các quy định pháp luật vẫn theo sau khi thế giới mạng phát triển ào ạt, nhưng chưa một văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh hoạt động thu thuế chuyên sâu ở lĩnh vực này. Do vậy, cơ quan thuế cũng chưa có máy móc, nhân sự đủ tay nghề để quản lý thu thuế đối với những hoạt động kinh doanh trên mạng.
Thiết nghĩ đã đến lúc cần một hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh trên mạng. Trước mắt, Chính phủ cần có quy định buộc ngành ngân hàng, viễn thông phải hợp tác với cơ quan thuế để kiểm tra hoạt động kinh doanh của các trang mạng có kinh doanh, thu phí.
Hàn Ni