Lừa đảo trong mua bán quốc tế ngày càng gia tăng

Đây là khẳng định của các chuyên gia tại hội thảo “Phòng tránh rủi ro và giải quyết tranh chấp trong mua bán quốc tế”, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp với Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức ngày 6-10.
Lừa đảo trong mua bán quốc tế ngày càng gia tăng

Đây là khẳng định của các chuyên gia tại hội thảo “Phòng tránh rủi ro và giải quyết tranh chấp trong mua bán quốc tế”, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp với Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức ngày 6-10.

Theo các chuyên gia, trong hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) gần đây, không ít doanh nghiệp (DN) Việt Nam gặp rủi ro khi bán hàng hoặc mua hàng của đối tác nước ngoài. Theo phản ánh từ các DN hội viên Hiệp hội Điều Việt Nam, từ đầu năm đến nay, một số nhà cung cấp điều ở châu Phi sau khi ký hợp đồng đã không thực hiện nghiêm chỉnh, chậm giao hàng, giao hàng kém chất lượng, hủy ngang (một số trường hợp hủy hợp đồng còn giữ tiền đặt cọc của người mua không trả), bị mất hàng trong container (khi về Việt Nam, DN mới phát hiện ra). Tình trạng này cũng diễn ra khá phổ biến với các DN xuất khẩu 2 mặt hàng là gạo và tiêu.

Tình trạng lừa đảo diễn ra phổ biến đối với mặt hàng tiêu. (Trong ảnh: Trồng hồ tiêu ở huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông)

Luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký VIAC, cho biết từ khi thành lập đến nay, VIAC đã tiếp nhận và xử lý 1.052 vụ kiện, trong đó liên quan đến hợp đồng mua bán chiếm từ 50% - 60%, chủ yếu là mua bán ngoại thương. Theo ông Bắc, nguyên nhân dẫn đến các vụ kiện là do nhiều DN chưa quan tâm đến việc thẩm tra năng lực đối tác, không có khả năng hoặc thiếu kinh nghiệm xem xét kỹ lưỡng các điều khoản trong hợp đồng. Tiến sĩ Nguyễn Minh Hằng, Trọng tài viên VIAC, Trưởng khoa Luật Đại học Ngoại thương, đề nghị: Trong hoạt động kinh doanh cũng như thanh toán đang có rất nhiều rủi ro. DN hãy chú trọng đến việc phòng ngừa, đừng để vụ kiện xảy ra. Bởi lẽ, khi bước vào cuộc tranh chấp, trong trường hợp DN thắng đối tác thì cũng xem như thua, vì trước đó, DN phải tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc để theo đuổi vụ kiện.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho hay, kể từ ngày 1-1-2017, Công ước Viên của Liên hiệp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (còn gọi là CISG) sẽ có hiệu lực tại Việt Nam. Công ước Viên là bộ luật thống nhất về mua bán hàng hóa quốc tế, điều chỉnh các giao dịch chiếm đến 3/4 thương mại thế giới, gồm 101 điều khoản điều chỉnh các vấn đề pháp lý từ khi hình thành hợp đồng (chào hàng, chấp nhập chào hàng), quy định quyền và nghĩa vụ của người bán và người mua, chỉ rõ những biện pháp/chế tài mà một bên được áp dụng khi bên kia vi phạm hợp đồng cũng như các vấn đề về bồi thường thiệt hại, hủy hợp đồng, bất khả kháng, bảo quản hàng hóa. Công ước Viên sẽ được áp dụng cho các hợp đồng thương mại giữa một bên là DN Việt Nam và một bên là DN có địa điểm kinh doanh tại quốc gia thành viên khác. Hiện đã có 85 quốc gia thành viên CISG, trong đó hầu hết các quốc gia là bạn hàng lớn của Việt Nam. Các DN nên có sự rà soát các hợp đồng xuất nhập khẩu của mình để đảm bảo phù hợp và tận dụng tốt nhất các lợi ích từ công ước.

Mới đây nhất, với mong muốn có đơn hàng, nhiều DN trong ngành chế biến gỗ đã vội vã trong việc xúc tiến làm ăn với các đối tác nước ngoài, dẫn đến nhiều sơ hở trong các điều khoản hợp đồng và chịu thiệt thòi khá lớn. Điển hình như trường hợp Công ty Gia Hân và Công ty Cửu Long, ký hợp đồng sản xuất, cung cấp cho Công ty Globle Home, nhưng do không thẩm định kỹ năng lực đối tác và các điều khoản hợp đồng không chặt chẽ khiến “tiền mất, tật mang”…

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục